SÁM VU LAN

 

Ðệ-tử chúng con,
Vâng lời Phật dạy,
Ngày rằm tháng Bảy,  

Gặp hội Vu-Lan,
Phạm-Vũ huy-hoàng,
Ðốt hương đảnh lễ

Mười-phương Tam-thế,
Phật, Pháp, Thánh, Hiền,
Noi gương Đức Mục-Kiền-Liên,
Nguyện làm con thảo,

Lòng càng áo-não,
Nhớ nghĩa thân sanh,
Con đến trưởng-thành,

“MẸ” dày đau khổ,
Ba năm nhủ bộ,
Chín tháng cưu mang.

Không ngớt lo toan,
Quên ăn bỏ ngủ,

Ấm no đầy đủ,
Cậy có công “CHA”,
Chẳng quản yếu già,
Sanh nhai lam lũ,
Quyết cùng hoàng-vũ,
Phấn đấu nuôi con,
Giáo dục vuông tròn,
Ðem đường học đạo,

“ÐỆ TỬ” ơn sâu chưa báo,
Hổ phận kém hèn,
Giờ này quỳ trước đài sen,
Chí thành cung kỉnh;
Ðạo tràng thanh-tịnh,
Tăng-bảo trang-nghiêm,

Hoặc thừa TỰ TỨ.

Hoặc hiện tham-thiền,
Ðầy đủ thiện duyên,
Dủ lòng lân-mẫn,


Hộ-niệm cho:

“Bảy kiếp cha mẹ chúng con,
Ðượm nhuần mưa Pháp,”



Còn tại thế:

“Thân tâm yên ổn,
Phát nguyện tu-trì,”



Ðã qua đời:

“Ác-đạo xa lìa,
Chóng thành Phật-quả,”


Ngưỡng mong các Đức Như-Lai,
Khắp cõi hư không,
Từ bi gia-hộ.

 

 

NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN TÔN GIẢ (3 lần)

 

BÁO PHỤ MẪU ÂN CHÚ 

 

NAM MÔ MẬT LẬT ĐA ĐÁ BÀ DẠ TÁ HA. 

(108 BIẾN) 



PHẬT THUYẾT VU LAN BỒN KINH SỚ


Sa-môn Tông Mật, người Sung quốc soạn.

 

 

Bắt đầu từ sự hỗn độn, che lấp trời đất, chung cho cả thần, người, chung với giàu nghèo, Nho, Thích đều y cứ, chỉ là đạo hiếu. Ứng với sự thành khẩn của người con hiếu, cứu cha mẹ khỏi khổ nguy, đáp đền ân đức cao lớn như trời, chỉ có giáo pháp Vu-lan-bồn. 

 

Tông Mật tội khổ sớm mất cha mẹ, thường buồn, sống trong giá lạnh, mãi ôm hận của gió cây. Trộm nghĩ trọn đời đã bị chôn vùi, suốt đời nổi trôi, tuy mở rộng hiếu tư nhưng không giúp ích cho thần đạo. Liền tìm tòi lời dạy của Thánh hiền, cung kính mong cầu phương pháp cúng tế cho người đã mất, được pháp môn này, thật là hạnh lành. 

 

Mỗi năm vào ngày chư tăng tự tứ, dâng bốn thứ cúng dường Tam bảo, Tông Mật cung kính hành theo, đã trải qua nhiều năm, giảng cả lời dạy ấy, để chỉ bày những điều chưa nghe, do đó trở về quê cũ, nương vào ngày ấy mở ra đạo tục tốt đẹp, vừa buồn vừa vui vâng theo, khác miệng cùng lời, không phân biệt thân sơ, tâm cao như thông bách, đâu xem thường làng xóm. 

 

Xin hãy niệm tình mà phát huy đạo lý quan trọng.

 

Đảnh lễ Đấng giáo chủ ba cõi,

Đức Thích-ca Thế Tôn đại hiếu,

Nhiều kiếp báo đền ân cha mẹ,

Chứa nhóm nhân thành Chánh giác.

 

Đem các loài trang sức vĩnh viễn, nhận lời thỉnh giảng kinh này, muốn báo đáp với người ân, đều trả được ân khôn cùng. Nay ta đã khen ngợi, nguyện các bậc Thánh thầm che chở, mình người chỉ còn thân thích, xa lìa các khổ, thường được an vui.

 

Để giải thích kinh này, trước chia làm bốn đoạn:

 

- Nguyên nhân khởi giáo.

- Thuộc về tạng thừa nào.

- Xác định tông chỉ.

- Giải thích văn kinh.

 

Trong phần đầu lại chia làm bốn:

 

Đáp lại nhân đời trước.

Đáp lời thỉnh ngày nay.

Làm sáng tỏ hiếu đạo.

Chỉ bày ruộng tốt.

 

1. Nguyên nhân khởi giáo có bốn:

 

Đầu tiên là đáp lại nhân đời trước: 

 

Thái tử Tất-đạt không nối ngôi vua, bỏ người thân lìa đất nước, mục đích là tu hành đắc đạo báo ân cha mẹ. Nhưng dụng tâm của Bồ-tát, không chỉ vì mình, cho nên mới mở pháp hội vu-lan, để đem phước đến cho cha mẹ của mình và người, kinh này có ra với mục đích như vậy.

 

Đáp lời thỉnh ngày nay: 

 

Đại Mục-kiền-liên vì có tâm hiếu muốn cứu độ cha mẹ, báo ân bú mớm nên xuất gia tu hành được thần thông bậc nhất. Quán thấy mẹ mình bị đọa vào loài quỷ đói, tự ngài không thể cứu được, nên bạch Phật tìm phương cách, Đức Phật bèn chỉ bày pháp cúng dường Vu-lan, cứu cái khổ treo ngược của mẹ. Vì thương mẹ, ngài thực hành tất cả. Là đệ tử xuất gia tại gia, xin Phật chỉ dạy pháp môn này, đáp lời thỉnh của Mục-liên, đó là nguyên nhân Đức Phật nói kinh này.

 

Làm sáng tỏ hiếu đạo: lại có hai:

 

– Làm sáng tỏ chung hạnh hiếu là tông bổn của hai giáo.

 – Nói riêng về sự giống nhau, khác nhau của hạnh hiếu hai giáo.

 

Trong phần nói chung lại nói về Nho giáo, lấy hiếu làm gốc. 

 

Nghĩa là bắt đầu từ thiên tử cho đến người bình thường, nước nhà truyền nhau, đều lập tông miếu. Tuy tác dụng của năm hiếu, khác nhau trăm hạnh nhưng nguồn gốc không khác. Về mở tông nói nghĩa, trong chương có nêu chí đức yếu đạo, đạo đức lấy đó làm thể, giáo pháp từ đó sinh ra, lẽ nào có người quân tử mà không lấy đó làm gốc, đã là kinh trời nghĩa thì phải làm cho mọi người phục tùng. Tuy nói lễ nhạc tiêu mất nhưng cuối cùng lại quở trách áo gấm cơm gạo, thật rộng lớn thay hạnh hiếu!

 

Đức của bậc Thánh là làm thế nào để vun đắp cho hạnh hiếu! Thứ hai là Phật giáo lấy hiếu làm gốc, nhưng tất cả Chư Phật, đều có chân thân và hóa thân.

 

– Thuyết Thích-ca hóa thân, tùy căn cơ mà quyền giáo.

– Thuyết Xá-na chân thân, là thật giáo rốt ráo. Giáo là kinh luật. Kinh nói về lý trí, luật nói về đức hạnh, giới tuy muôn hạnh nhưng lấy hiếu làm tông. Cho nên Đức Phật Lô-xá-na lúc mới thành Chánh giác, liền nói Đại kinh Hoa Nghiêm, là Đại giới của Bồ-tát, lại ở đầu kinh có nói. Lúc bấy giờ, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, đầu tiên ngồi dưới gốc Bồ-đề, thành Vô thượng Chánh giác rồi, bắt đầu kết Ba-la-đề-mộc-xoa, hiếu thuận cha mẹ, chư Tăng, Tam bảo, hiếu thuận là pháp chí đạo, hiếu chính là giới, cũng chính là ngăn cấm. Kinh Niết-bàn cũng chép: Kỳ lạ thay cha mẹ! Sinh ra, nuôi lớn ta… chịu nhiều khổ não, vừa tròn mười tháng, ôm ấp thân ta, sau khi sinh rồi, nhường khô nằm ướt, trừ bỏ bất tịnh, đại tiểu tiện lợi, bú mớm nuôi nấng, giữ gìn thân ta, vì ý nghĩa này. Nên phải báo ân, thuận theo cúng dường. Trên là nói rõ hai giáo lấy hiếu làm gốc rồi. Thứ hai nói riêng về sự giống nhau và khác nhau về hiếu hạnh của hai giáo. Trong đó, trước hết là nói về sự khác nhau, sau là nói về sự giống nhau. Ban đầu nói lúc cha mẹ còn sống hầu hạ nuôi dưỡng khác nhau, kế đó cha mẹ qua đời phải cúng tế khác nhau. Về hầu hạ nuôi dưỡng khác nhau: Nho giáo thì cẩn thận giữ gìn da tóc, để tiếng lại đời sau, cho nên vui xuân không ra khỏi nhà, hội họp con cháu mở ra sự cung kính. Giáo pháp Đức Thích-ca thì cạo tóc nhuộm áo, pháp giúp cho hiện đời, vì thế Ưu-đà kính tin, Tịnh Tạng theo tà, đó là nói làm điều lành không giống nhau. Cùng trở về hiếu. Nói về sự khác nhau sau khi chết: có ba việc khác nhau:

 

- Cư tang dị: (khác nhau về để tang) Đạo Nho thì dùng quan quách chôn xuống đất để giữ gìn hình hài. Còn Đạo Phật thời niệm tụng, cầu nguyện cho thần thức.

 

- Tề kỵ dị: (khác nhau về cúng tế): Nho thì chỉnh tề bên trong, yên ổn bên ngoài, nghĩ đến tiếng nói và mặt mày. Đạo Phật thì cúng tế, giảng kinh, giúp cho nghiệp báo.

 

- Chung thân dị: (Khác nhau về cả đời) Đạo Nho giáo giáo thì bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông giết hại sinh mạng, Đạo Phật thì ba tiết: đoan ngọ, trung thu, nguyên đán phóng sinh, bố trí, giữ giới, hội Vu-lan. Bởi do Chân tông, chưa đến Chu Khổng. Lại dạy giữ tâm nay biết lý có chỗ trở về. Không nên còn chấp quyền giáo. Lại phước lớn thì không gì hơn bố thí, mạng sống là nhân căn bản của Thích phạm, chính là đức lớn của trời đất. 

 

Nay giết kia cúng đây, thì đâu gần với lòng nhân? Nếu nhẫn được thì ai không thể nhẫn? Tuy nói rằng cầu phước nhưng thực tế là gây thêm hận thù. Tự làm theo hư danh, gieo tai họa ương thần đạo.

 

Hỏi: Cha mẹ sinh về đường khác, thì có thể cúng tế, làm chay, nếu đọa vào loài quỷ thì thà không thiết đãi cúng tế có đúng không?

 

Trả lời: Nếp lúa chẳng có mùi thơm thì có thể thường cúng tế, nên biết việc cúng tế mùa xuân hơn hẳn giết trâu, huống chi là quỷ thần… khác nhau, đâu phải đều thọ hưởng? Như trên đã nói rõ sự khác nhau rồi.

– Kế là nói về sự giống nhau, lại có hai: đầu tiên nói về sự giống nhau giữa còn và mất, sau nói về sự giống nhau giữa tội và phước.

Nay đầu tiên y theo văn năm câu trong chương Hiếu Hạnh để nói về sự giống nhau, tức thuộc về lúc còn sống và sau khi chết.

 

- Lúc cha mẹ còn sống thì rất cung kính. Đạo Nho thì khác với chó ngựa. Đạo Phật thì toàn bộ nhiều hơn bảy.

 

- Nuôi dưỡng thì rất vui, đạo Nho thì tiếng vui vẻ khi ôn hòa định tĩnh… có khi quạt nóng ấp lạnh. Đạo Phật thì tiết lượng niềm tin hủy báng phần giảm y bát… Có khi cắt thịt cứu đói.

 

- Bệnh thì rất lo lắng: Trong Nho giáo như vua văn Đế trước nếm thuốc thang, Võ vương không cỡi mũ đai. Trong Đạo Phật, như Thái tử dùng thịt làm thuốc, cao tăng dùng thân gánh vác.

 

- Cha mẹ mất thì rất đau buồn. Nhà Nho có Võ Đinh không nói, Tử Cao khóc ra máu. Đạo Phật có Mục-liên khóc lớn, Điều ngự khiêng cỗ quan.

 

- Cúng tế thì rất trang nghiêm: Đạo Nho có người cúng tế măng tre. Đạo Phật thì có việc cho cơm. Nhưng chỗ chí giáo thì vị lai khó mở mang báo ứng.

 

 

Cho nên trước đặt ra pháp cúng tế, khiến cung kính đối với thần linh. Thần linh là thức tánh của cha mẹ, đủ nói lên sự thường còn của ông bà. Thân tan rã mà thần thức không mất, lẽ nào coi trọng thân mà xem nhẹ thần thức ư! Những việc khác như trước có nói. Như trên là nói về sự giống nhau giữa còn và mất đã xong. 

 

Thứ hai là nói về sự giống nhau giữa tội và phước, giống nhau về tội: Đạo Nho thì điều chướng vượt quá năm hình, phạm thì phải bị năm khắc mà ân xá không gồm. Đạo Phật nêu bảy tội nghịch, giới luật có bảy lần ngăn mà chắc chắn đọa vào A-tỳ. Thứ ba là giống nhau về phước: Nho thì cờ treo báo ở trước cổng. Đạo Phật thì làm sáng rõ nhân của tịnh độ giới đức. Như trên là nói chung về đạo đã xong. Thứ tư là chỉ bày ruộng tốt: Thí như người thế gian muốn được kho lẫm lương thực, năm thứ ngũ cốc đầy tràn, hàng năm không thiếu thì phải lấy hạt giống lúa mì tốt, cho trâu cày ruộng mà gieo trồng, không gieo trồng thì cạn hết. 

 

Trong Phật pháp cũng giống như vậy, lấy tâm từ bi, tâm cung kính, tâm hiếu thuận làm hạt giống. Lấy cơm áo, tiền tài, thân mạng làm trâu cày, lấy nghèo bệnh, ba ngôi báu, cha mẹ làm ruộng đất. Có đệ tử Phật muốn được trong tạng thức trăm phước trang nghiêm đời đời không hết. Phải vận tâm từ bi, tâm cung kính, tâm hiếu thuận, đem cơm áo tiền của thân mạng, cung kính, nuôi nấng, cung cấp cho người bệnh nghèo, ba ngôi báu, cha mẹ, gọi là gieo trồng phước đức, không gieo phước thì nghèo cùng không có phước tuệ, đọa vào đường sinh tử nguy hiểm, nói trồng ruộng phước, gọi là ruộng phước. Như ruộng trồng lúa gọi là ruộng phước. Nhưng hạt giống có tươi mới, khô héo, ruộng có tốt, xấu, như tâm từ bi, cung kính, hiếu thuận có tha thiết, lơ là. Nghèo có cạn và sâu, bệnh có nhẹ nặng, Phật có chân hóa, hóa có trụ thế, nhập diệt, pháp có Tiểu thừa, Đại thừa. 

 

Giáo có quyền giáo, thật giáo, tăng có giữ giới, phá giới. Cha mẹ có hiện đời, bảy đời. Mỗi trường hợp đầu phối hợp với ruộng tốt xấu, thấy rõ. Nay cúng hội Vu-lan đủ ba thứ ruộng tốt nên nói là thắng, nghĩa là ngày Phật vui mừng, cúng dường đại đức tịnh giới tự thứ, gọi là kính điền thắng. Báo ân cha mẹ là ân điền thắng. Cha mẹ đang trong cơn nguy nan, là bi điền thắng. Vì muốn chỉ bày bi điền thắng nên Phật nói kinh này.

 

 

2. Thuộc về Tạng thừa nào: Thứ hai là thuộc về tạng thừa nào. Tạng là ba tạng; thừa là năm thừa. 

 

Ba tạng:

 

- Tu-đa-la KINH

- Tỳ-nại-da LUẬT

- A-tỳ-đạt-ma LUẬN

 

- Tu-đa-la: Hán dịch là Khế kinh. Khế là khế lý, khế cơ. Kinh: luận Phật Địa chép: Nghĩa là quán nhiếp, tức thông suốt nghĩa nên biết, nhiếp trì chúng sinh được hóa độ. Giáo này giải thích về định học trong ba học.

- Tỳ-nại-da: Hán dịch là điều phục, điều là điều luyện ba nghiệp, phục là chế phục lỗi lầm. Giáo này giải thích giới học.

- A-tỳ-đạt-ma: Hán dịch là đối pháp, pháp là bốn đế Niết-bàn, đối là đối hướng, đối quán. Năng đối là vô lậu. Giáo này giải thích tuệ học. 

 

Nhưng kinh là hóa giáo, giáo hóa dắt dẫn. Luật là chế giáo, chế y cứ hành nghiệp. Luận thì giải thích ý kinh luật. Ở đây Vu-lan-bồn này y theo danh đề thì thuộc về hóa giáo, thuộc về kinh tạng. Y theo ý nghĩa ấy cũng thuộc về chế giáo, thuộc về luật tạng

 

Năm thừa: 

 

- Nhân thừa

- Thiên thừa

- Thanh văn thừa

- Duyên giác thừa

- Bồ-tát thừa

 

Gọi thừa là do nó có công năng vận chuyển. Năm là nói người, trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát. Năm hạng này năng lực có lớn nhỏ. Tải (là chở), có xa gần.

 

- Nhân thừa: Đó là quy y Phật pháp, tăng và thọ năm giới cấm. Vận chuyển chúng sinh vượt khỏi ba đường ác, sinh lên cõi người. Nó giống như chiếc thuyền nhỏ vượt qua khe nước giữa hai núi.

 

- Thiên thừa: Đó là mười điều lành thượng phẩm và bốn thiền tám định. Vận chuyển chúng sinh vượt qua bốn châu, đạt đến cõi trên như thuyền nhỏ vượt qua sông nhỏ.

 

- Thanh văn thừa: Đó là pháp môn Bốn đế.

 

- Duyên giác thừa: Đó là pháp môn mười hai nhân duyên, đều có công năng vận chuyển chúng sinh ra khỏi ba cõi. Đến Niết-bàn hữu dư y, Niết-bàn vô dư y, thành A-la-hán và Bích-chi-phật, giống như thuyền lớn vượt qua sông lớn.

 

- Bồ-tát thừa: Đó là pháp môn bi trí Lục độ, vận chuyển chúng sinh vượt khỏi ba cõi cảnh giới ba thừa, đến bờ kia đại Niết-bàn Vô thượng Bồ-đề, như ngồi thuyền lớn qua biển. 

 

Nay kinh Vu-lan-bồn này thuộc về nhân thiên thừa, nằm trong tạng Tiểu thừa.

 

 

3. Phân biệt xác định tông chỉ: Ba là phân biệt xác định tông chỉ:

 

Kinh này lấy hiếu thuận thiết cúng, nhổ gốc khổ, báo ân làm tông. Ở đây chia ra hai môn.

 

- Giải thích hành tướng.

- Phối hợp số câu.

 

Đầu tiên là nói Mục-liên, vốn vì hiếu thuận thành kính muốn báo ân đức, năng lực chưa đủ cho nên trước xuất gia. Cho nên vừa chứng được sáu thần thông, liền quán khắp ba cõi thấy mẹ mình bị đọa vào loài quỷ đói, tuy thọ hưởng cơm thơm nhưng liền thành lửa dữ, buồn khóc cầu xin đức Phật, Phật dạy sắm sửa cúng dường Vu-lan-bồn, cứu vớt thân ra khỏi đường tối tăm, thoát khỏi một kiếp mong báo đáp ơn sinh thành nuôi nấng của cha mẹ nuôi con, xét kỹ ý chỉ kinh thì có đủ bốn nghĩa này.

 

Phối hợp số câu: có bốn lần bốn trường hợp.

 

Hai chữ hiếu thuận, tự có bốn trường hợp.

 

- Hiếu mà chẳng phải thuận, như dưỡng trong ba tánh…

- Thuận mà chẳng phải hiếu, như bệnh đòi thức ăn cấm liền cung cấp cho, muốn làm việc không nên làm mà không can ngăn…

- Vừa hiếu vừa thuận: Nghĩa là có ẩn không phạm, ba lần can ngăn mà thuận theo sắc, chỉ quán ba năm không đổi.

- Chẳng phải hiếu, chẳng phải thuận. Như hạng an táng cha trong nước.

 

Dùng tâm hiếu thuận thiết cúng, đối lại, lại có bốn trường hợp.

 

- Hiếu thuận mà chẳng thiết cúng, như Đổng ám vương tường…

- Thiết cúng mà chẳng phải hiếu thuận: vì mình cầu phước mà tu trai giới…

- Vừa hiếu thuận, vừa thiết cúng: tức là hội Vu-lan.

- Chẳng phải hiếu thuận, chẳng thiết cúng: Nghĩa là trái nghịch mà keo kiệt.

 

Vì hiếu thuận đối với nhổ gốc khổ, cũng có bốn trường hợp: 

 

- Hiếu thuận chẳng phải nhổ gốc khổ. Nói Đổng Vĩnh…

- Nhổ gốc khổ, chẳng phải hiếu thuận: nói cứu nỗi khổ cho người khác.

- Vừa khổ vừa hiếu thuận, tức là hội Vu-lan.

- Chẳng phải nhổ gốc khổ, chẳng phải hiếu thuận: Như người trái nghịch thấp hèn.

 

Vì hiếu thuận đối với báo ân, cũng có bốn trường hợp:

 

- Hiếu thuận chẳng phải báo ân, giữ gìn da tóc, không kiêu ngạo, chẳng phải pháp không nói.

- Báo ân chẳng phải hiếu thuận, giúp đỡ ăn uống, tu hành đền ơn thí chủ…

- Vừa báo ân vừa hiếu thuận như hội Vu-lan-bồn.

- Chẳng phải báo ân, chẳng phải hiếu thuận là người trái nghịch, phụ ân. 

 

Nay tu pháp Vu-lan-bồn này, tròn bốn hạnh được công đức, đâu có gì so sánh được? Thực nhờ cảnh tốt đẹp, tâm rộng lớn, thấu suốt thần lý.

 

 

PHẬT NÓI 

KINH VU LAN BỒN 

 

Đời Tây Tấn, ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ dịch

 

 

PHẬT THUYẾT

VU-LAN-BỒN KINH

 

Tây-Tấn, Tam-Tạng Pháp-Sư Trúc-Pháp-Hộ dịch

 

 SỚ GIẢI :

 

4. Chính giải thích văn kinh:

 

Trong chính giải văn kinh có hai:

 

Ban đầu giải thích đề mục; hai là giải thích văn bản.

 

- Trước giải thích đề mục: “Phật nói kinh Vu-lan-bồn”. Kinh này gồm có ba bản dịch.

(Võ Đế Đời Tấn, sát pháp sư dịch là kinh Vu-lan-bồn.

(Đời Tuệ Đế Pháp sư Pháp Cự dịch là kinh Quán Lạp, nên văn này nói: Đầy đủ trăm vị, năm thứ trái cây và các đồ dùng hương dầu đèn đuốc…)

 

Bản xưa ghi riêng, lại có một vị Sư dịch là kinh Báo Ân, y cứ theo hạnh thực hành mà đặt tên. Bản dịch ở đây sẽ giải thích chính là bản dịch đầu tiên. Tam tạng Nghĩa Tịnh nói: Ban ra nói từ miệng mình, tâm kia nhờ sự chỉ giáo hợp với căn cơ, nên gọi là Phật nói. 

 

Vu-lan là tiếng Tây Vực, Hán dịch Đảo Huyền (treo ngược). 

 

Bồn là âm Đông hạ, chính là đồ dùng để cứu giúp, hoặc tùy theo phong tục của địa phương nên nói cứu đảo huyền bồn (cứu khổ treo ngược). Đây là do hồn mẹ Tôn giả chìm trong đường tối tăm, vừa đói vừa khát mạng như treo ngược, cho dù oai linh của đệ tử bậc Thánh cũng không thể cứu giúp sự đau khổ. Phật dạy trong bồn đặt trăm thức ăn để hiến cúng ba ngôi báu, nhờ ân đức của đại chúng mà cứu nỗi khổ gấp treo ngược, tức lấy nghĩa này mà đặt tên kinh. 

 

Kinh gọi đúng là tuyến, nghĩa là Khế kinh, tuyến là sợi chỉ để xỏ hoa, sợi dọc để giữ sợi ngang, tức nghĩa sở thuyên như sợi ngang, ví như hoa. Văn năng thuyên để giữ gìn sự xâu suốt, nay thuận theo kinh sách của Trung Quốc thì dùng đề mục gọi là kinh, mượn nghĩa giúp tên, vẫn thêm chữ khế, ở đây giải thích phù hợp với luận Phật địa. Nghĩa là xuyên suốt trong hai nghĩa. Nghĩa là kết thành tràng trong năm nghĩa của luận Tạp Tâm.

 

- Giải thích bản văn:

 

Phần giải thích bản văn chia làm ba:

 

- Phần tự.

- Phần Chánh tông.

- Phần Lưu thông.

 

 

I. PHẦN TỰ

 

 

Tôi nghe như vầy: Một lúc nọ, đức Phật ở trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc tại nước Xá Vệ. 

 

 

Ông Đại Mục Kiền Liên vừa mới chứng được sáu pháp thần thông ông muốn cứu độ cha mẹ của ông để đền đáp công ơn bú mớm. Ông liền dùng đạo nhãn xem khắp trong thế gian, thấy bà vong mẫu của ông sanh vào trong loài ngạ quỷ chẳng được uống ăn, thân thể ốm gầy da bọc lấy xương.

 

Thấy thế, ông Mục Liên chẳng xiết xót thương, liền lấy bình bát đựng cơm đem dâng cho mẹ ông. Mẹ ông tiếp được bình bát cơm, bèn dùng tay trái che bát, tay mặt bốc cơm. Cơm của bà bốc chưa vào đến miệng đã hóa thành than lửa, bà ăn không đặng. 

 

 

TA TỪNG NGHE LỜI TẠC NHƯ VẦY :

 

Một thuở nọ Thế-tôn an-trụ

Xá-vệ thành Kỳ-thụ viên trung,

Mục-liên mới đặng lục-thông,

Muốn cho cha mẹ khỏi vòng trầm-luân.

 

Công dưỡng-dục thâm-ân dốc trả,

Nghĩa sanh thành đạo cả mong đền,

Làm con hiếu-hạnh vi tiên,

Bèn dùng ĐẠO NHÃN dưới trên kiếm tầm.

 

Thấy vong-mẫu sanh làm ngạ-quỷ,

Không uống ăn tiều-tụy hình-hài.

 

Mục-liên thấy vậy bi-ai,

Biết mẹ đói khát ai-hoài tình thâm.

 

Lo phẩm-vật đem dâng từ-mẫu,

Ðặng đỡ lòng cực khổ bấy lâu.

Thấy cơm mẹ rất lo âu,

Tay tả che đậy, hữu hầu bốc ăn.

Lòng bỏn-xẻn tiền-căn chưa dứt,

Sợ chúng ma cướp dựt của bà.

Cơm đưa chưa tới miệng đà,

Hóa thành than lửa nuốt mà đặng đâu.

 

Văn như thị: nhứt thời Phật tại Xá-Vệ quốc, Kỳ-thọ Cấp-Cô-Ðộc viên.

Ðại Mục-Kiền-Liên, thỉ đắc lục thông, dục độ phụ-mẫu, báo nhũ bộ chi ân.

Tức dĩ đạo-nhãn quán thị thế-gian, kiến kỳ vong-mẫu sanh ngạ-quỉ trung, bất kiến ẩm thực, bì cốt liên lập.

Mục-Liên bi ai, tức dĩ bát thạnh phạn, vãng hướng kỳ-mẫu.

Mẫu đắc bát phạn, tiện dĩ tả thủ chướng bát, hữu thủ suy tự.

Tự vị nhập khẩu, hóa thành hỏa thán, toại bất đắc thực.

 

 

SỚ GIẢI :

 

Vì sự phân chia ba phần nên sự phân chia của ngài Di Thiên phù hợp với Tây Vực, xưa nay cùng đều. Trong phần tựa ở đầu các kinh phần thường có hai lời tựa.

 

1. Tựa chứng tín:

 

Nói ta nghe Đức Phật nói pháp như vậy, khi nói, chỗ nói rõ ràng, đại chúng cùng nghe chẳng lầm, để làm chứng cứ khiến người khác nghe thọ. Kinh không có y cứ, không có chứng tín thì không truyền, do vậy ở đầu kinh phải có chứng tín, cho nên luận Trí Độ chép: Khi nói mới khiến cho người sinh tín.

 

2. Tựa phát khởi:

 

Là cách phát minh làm kính tin chánh tông. Như các loại lọng báu trong kinh Tịnh Danh và ánh sáng từ sợi lông trắng của kinh Pháp Hoa. Song chứng tín cũng gọi là tựa chung, các kinh đều giống nhau. Cũng gọi là bài tựa sau kinh. Khi Phật nói pháp thì chưa có. Phát khởi cũng gọi là tựa riêng, các kinh đều khác nhau, cũng gọi là bài tựa trước kinh, Phật trước tự phát khởi, mới nói phần chánh tông.

 

– Trước là tựa chứng tín:

Nghe như vầy, một thuở nọ, Đức Phật ngự trong vườn cây Cấp cô Độc, rừng cây Thái tử kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ, khi Phật sắp nhập Niết-bàn, A-nan thưa hỏi bốn việc, Đức Phật dạy nên để câu này, bốn việc đã hỏi, Đức Phật sẽ đáp từng câu một:

 

– Nương vào bốn niệm xứ.

– Lấy giới làm thầy.

– Mặc tẩn Tỳ-kheo có tánh xấu.

– Tôi nghe như vầy

 

Ở đầu tất cả các kinh đều ghi: “Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại chỗ nào đó và chúng bao nhiêu người…” các kinh phần nhiều có đủ sáu thứ thành tựu. Văn hoặc thiếu hoặc lược nhưng nghĩa phải đủ. Sáu thứ thành tựu gồm:

 

Tín thành tựu.

Văn thành tựu.

Thời thành tựu.

Chủ thành tựu.

Xứ thành tựu.

Chúng thành tựu.

 

Sáu duyên này không đủ thì giáo pháp không hưng thịnh. Phải đầy đủ sáu thứ này, cho nên nói thành tựu. Kinh này thiếu phần nêu chúng. Lại văn thành tựu ở đầu khác với kinh khác, đều là do ý của người dịch, hoặc nói pháp này ta nghe Phật nói, hoặc nói ta ở bên Phật nghe pháp như vậy, đều là từ ngữ chỉ cho pháp. Lại không nói tôi (ngã): Ý nói bậc Thánh đều chứng lý vô ngã. Các kinh có: Tức là A-nan tự chỉ năm uẩn là giả, không giống như ngã của tình chấp, cũng không có lỗi. Nghe nghĩa là nhĩ căn phát thức, nghe tiếng ngoài kia. Kế nói như vầy là tín thành tựu. Tín là nói việc ấy như thế, bất tín là nói việc ấy không đúng như thế, cho nên Tăng Triệu nói là lời tín thuận. Một thuở nọ: Thầy trò hội họp nói nghe rốt ráo, gọi chung là Một thuở nọ, để phân biệt với lúc khác. Nghĩa là Như Lai nói kinh, bấy giờ có vô lượng, không thể nêu riêng. Một là ý nói rộng khắp nên chỉ nói Một.

 

Thời phần ở các nơi dài ngắn không nhất định, nên nói chung là Một thuở. Nhưng trong các kinh không chỉ định thời, mà phải chỉ định xứ, có khi giải thích dẫn đến khó khăn cho nên không dùng. Nay rõ ý kia, dùng xứ thì không ngoài mười sáu nước, tùy chỗ đến giáo hóa mà có số ấy, là dễ nêu lên chỉ bày. Thời thì có năm tháng, xuân thu, nóng lạnh, ngày đêm, dần, mão, chốc lát, thay đổi nhanh chóng, chứa nhóm vô số lượng, không thể nói hết, khó nêu lên để chỉ bày. Phật, tiếng Phạm là Phật-đà, Hán dịch là Giác, là người hiểu rõ tánh tướng của chân vọng. Giác có ba nghĩa:

 

– Tự giác ngã không: Để phân biệt với phàm phu.

– Giác tha pháp không: Để phân biệt với Nhị thừa.

– Giác mãn câu không hợp với bổn giác, gọi là rốt ráo giác, hoặc gọi Đại giác, Diệu giác, để phân biệt khác với Bồ-tát.

 

Tại Xá-vệ… là xứ thành tựu. Chân Đế ghi rằng: Trú xứ có hai:

 

– Cảnh giới xứ: Vì hóa sinh vào dòng của thế tục.

– Y chỉ xứ: Chỉ chung tất cả chúng xuất gia.

 

Ban đầu là Xá-vệ, sau đó là Kỳ viên. Luận Bà-sa chép: Nêu Xá vệ thì giúp người ở xa biết, nêu Kỳ viên thì giúp người ở gần biết. Xá vệ, Hán dịch là Văn vật, nghĩa là đầy đủ các vật quý báu, người học rộng giải thoát, xa nghe các nước. Kinh Kim cương do Nghĩa Tịnh Tam tạng dịch gọi đại thành. Kỳ viên… tức là cây của Thái tử Kỳ-đà cúng, vườn do Trưởng giả Cấp Cô Độc mua. Kỳ-đà, Hán dịch là Chiến thắng, là Thái tử con vua Ba-tư-nặc. Khi Thái tử sinh, vua đánh nhau với nước ngoài được chiến thắng, do đó mà đặt tên. Cấp Cô Độc là hiệu của vị quan ông vốn tên là Tu-đạt-đa, Hán dịch là Thiện Thí, nói Cấp Cô Độc, chính là Thiện Thí, lại thường thực hành bố thí nên gọi là Thiện Thí, người trong làng gọi ông bằng tên gọi đẹp đẽ Cấp Cô Độc. Nhưng vườn chính là do Tu-đạt mua, cây do Thái tử Kỳ-đà cúng, vườn chung cây riêng, trước hợp lại nêu vườn, nay vì lễ có tôn ti khác nhau, nêu cây trước vườn sau. 

 

Tây quốc gọi tự (chùa) là Tăng-già-lam-ma, Hán dịch là chúng viên. Do Phật giáo truyền về phía Đông, ban đầu đến Trung Quốc, dừng lại chùa Hồng Lô, khách tăng nước ngoài từ từ đông hơn, phân tán ra ở nhiều chỗ ở khác, mà còn giữ hiệu cũ này thì đều gọi là Tự! Cấp Cô mua vườn và cây ấy: Kinh Niết-bàn chép: “Trưởng giả Tuđạt là người đi hỏi vợ cho con, đến thành Vương xá, nhân thấy Phật phát tâm, mời Phật đến Xá-vệ nói pháp, Đức Phật sai Xá-lợi-phất theo Cấp Cô trở về, trước chọn trụ xứ, chọn được vườn của Thái tử Kỳ-đà, Trưởng giả hỏi mua, Thái tử nói đùa: Đem vàng lót khắp mới bán. 

 

Trưởng giả liền muốn giao vàng, Thái tử nói: Tôi nói chơi, liền nhờ người xử đoán việc này, người kia xử y theo lời nói trước đây, Trưởng giả chở vàng trải khắp, chỉ dư một góc, Thái tử thấy Trưởng giả không tiếc tài bảo, biết Phật là đấng tôn quý, liền cúng thí đất còn dư để lập tịnh xá, cúng thí cây trong vườn để làm bóng mát, hai người chung sức xây thành Tịnh xá, thỉnh Phật đến ở, nên gọi là Kỳ thọ… Thiếu chúng thành tựu vì văn sơ lược. Như kinh Vô Thường… nhưng có thời thì phải đủ đồ chúng, cuối kinh nói bốn chúng đệ tử vui mừng vâng làm.

 

– Sau Tựa phát khởi:

 

Phát khởi: Kinh này đã lấy hiếu thuận dứt khổ làm tông, nhờ duyên cứu mẹ mà làm phát khởi. 

 

Văn chia làm sáu:

 

Mục-liên đã chứng đạo quả.

Biết ân muốn báo đáp.

Tìm kiếm khắp nơi.

Thấy được nơi mẹ ở.

Buồn lo khóc lóc đến cứu.

Thói quen xấu hiện tiền.

 

1. Mục-liên đã chứng đạo quả:

 

Đại Mục-kiền-liên mới chứng được sáu thần thông, người này tên là Đại Mục-kiền-liên, đời Đường dịch là Thái Thúc Thị, nước ấy thời thượng cổ có vị Tiên thường ăn rau đậu, Tôn giả thuộc dòng họ ấy. Tên Ni-câu-luật-đà, tức là tên cây. Cha mẹ Tôn giả nhờ cúng tế thần cây này mà sinh tôn giả, nên lấy tên cây đặt tên Tôn giả. Tôn giả là con của quan phụ tướng trong thành Vương xá, người đương thời rất quý dòng họ ấy cho nên gọi là “Thị”. Mới chứng được sáu thần thông: Mới tức là vừa, vừa được Thánh đạo liền cứu độ cha mẹ. Vốn vì mẹ mà tu đạo, đạo tuy không khác, nhưng bản nguyện mỗi người đều khác, cho nên các vị Thánh không hẳn đều như vậy. Sáu thần thông gồm:

 

Thần cảnh thông, trí chứng được cảnh thần, cũng gọi như ý thông, thân như ý mình, muốn đến thì đến ngay.

Thiên nhãn thông.

Thiên nhĩ thông, thấy được, nghe được, hoặc gần hoặc xa, nội chướng ngoại chướng, sắc, thanh…

Túc mạng thông: Biết được việc nhiều đời trước của mình và người.

Tha tâm thông: Đối với tâm định, tâm tán, hữu lậu, vô lậu, tất cả đều biết.

-Lậu tận thông: Biết được trong thân lậu hết, sáu thứ đều không trệ ngại nên gọi chung là Thông.

 

2. Biết ân muốn báo đáp:

 

Muốn cứu độ cha mẹ, báo đáp ân bú mớm, độ là độ thoát, nhưng hai chữ báo ân chỉ là nêu chung hư vị. Độ thoát chính là sự báo ân ấy, bú là bú sữa mẹ, mớm là cho ăn. Nhưng cha mẹ có xa gần, ân có nhẹ nặng, báo có phần báo toàn báo. Xa thì bảy đời cho đến nhiều đời, gần thì ngay đời này. Bảy đời được Ngoại giáo tôn sùng, người do hình chất làm gốc, lưu truyền thể nối nhau, vì cha mẹ trở lên là bảy đời, chỉ tôn trọng cha. 

 

Theo chỗ y cứ của Phật giáo, thì người lấy linh thức làm gốc. Hình chất bốn đại là chỗ nương của linh thức, đời đời kiếp kiếp đều có cha mẹ, sinh dưỡng thân này, về trước cho đến cha mẹ bảy đời là bảy đời vậy. Nhưng chỉ gởi gắm ở trong thai mẹ, từ khi sinh ra về sau bồng ẵm, ôm ấp phần nhiều cũng là mẹ, cho nên nghiêng nặng về mẹ, vì vậy trong kinh chỉ nói báo đáp ơn bú mớm. Cho đến nhiều đời thì trong đó chỉ lấy tất cả cha mẹ sinh thân từ khi quy y Phật về sau, sinh ra thân ta tu đạo, khi các Đức Phật thành đạo, cha mẹ nhiều đời đều gặp gỡ nhau, nghe pháp được lợi ích. Ân có nặng nhẹ: Đời này cha mẹ nặng nhất, còn lại là nhẹ dần. 

 

Báo có phần báo, toàn báo một đời hầu hạ nuôi nấng là phần, độ thoát nhiều đời là toàn báo, cho nên kinh nói: “Vai trái cõng cha, vai phải mang mẹ, đi khắp mặt đất, cũng không thể báo đáp ân đó”. Cho nên biết sự báo đáp đời này là phần báo; dù cho đồng với Mạnh Tông, cùng loại với Đỗng Vĩnh cũng chỉ là phần báo. Nay kinh nói: Muốn độ cha mẹ là ý giúp cho đắc đạo, muốn nói về toàn. Nói chung, nếu không báo đáp thì là người mắc tội bất hiếu, huống chi thêm việc nghịch, lại bàn phiếm ân của tất cả mọi người, kinh Hoa Nghiêm chép: Người không biết ân phần nhiều bị chết ngang trái. 

 

Kinh Quán Phật Tướng Hải chép: Có ân không báo đáp là nhân A-tỳ, các ân còn như vậy, huống chi là cha mẹ, ân cha mẹ không thể so sánh, cho nên có bài thơ nói:

 

“Ngọn gió vi vu lay động ngọn cỏ

Xót thương ân cha mẹ sinh ta”.

 

Cho đến không có cha để nương cậy, không có mẹ để dựa nhờ, ra thì ngậm đắng, vào thì chưa đến, mẹ sinh ta ra, cha nuôi dưỡng ta, vỗ về ta, muốn ta khôn lớn, dạy dỗ ta, chăm sóc ta, nuông chìu ta, muốn báo đáp ân đức như vói lên trời cao không cùng. Cho nên Tam Tạng nói: Cha mẹ nghĩa cao trời, đất ân sâu như biển lớn. Vì thế nhất quyết phải ghi nhớ vào lòng, đền đáp ân đức công lao khó nhọc. Kinh Phụ Mẫu Ân Trọng chép: Cha mẹ ôm ấp mỉm cười chưa nói tiếng đùa, khi đói phải ăn chẳng phải mẹ không nhai, khi khát phải uống chẳng phải mẹ không cho bú… Tính kể ân mẹ như vói lên trời cao không cùng. Than ôi! Mẹ hiền làm sao báo đáp… còn đi đến đông tây, xóm làng, không thường về nhà, lòng mẹ hốt hoảng lo lắng, vú sữa chảy ra, liền biết ở nhà con ta nhớ ta, liền trở về nhà.

 

Hỏi: Xét văn Kinh này đơn giản mộc mạc, lại khuyên răn siêng những người nghèo hèn là vì sao?

 

Đáp: Quân tử tự mình hiếu thuận cho nên khuyên tiểu nhân. Lại nữa, quân tử có cái nghèo của gáo tre, đâu đề phòng những việc lặt vặt! Lại nói những lời khó khăn gian khổ mới làm sáng tỏ được công lao nuôi dưỡng. Lại nói: Con trẻ xa thấy mẹ đến, hoặc ngồi trên xe nghiêng đầu hớn hở, hoặc là kéo áo chạy theo. 

 

Than ôi! Người mẹ, mẹ vì con trẻ mà khom mình chịu thấp, lớn lên hai tay bốc cát đất, miệng thì khóc la, mẹ vạch áo đưa vú cho con bú. Mẹ thấy con thì vui, con thấy mẹ thì mừng, tình cảm mẹ con yêu thương rất nặng, chẳng gì hơn thế, đã sinh trưởng bạn bè theo nhau, chải đầu vuốt tóc muốn có áo đẹp che phủ thân con, áo xấu cũ rách cha mẹ tự mặc, vải lụa mới đẹp trước cho con mặc, cho đến đi lại việc quan, mau mau vội vàng, tâm nghĩ nam bắc ruổi theo con khắp nơi, trên đầu tóc rối. Con dần dần lớn khôn, thì đòi lấy vợ, sinh được con cái, đối với cha mẹ trở nên lơ là. Trong phòng cùng nhau nói chuyện vui vẻ, cha mẹ tuổi cao sức yếu, từ sáng đến tối không đến hỏi han, hoặc cha mẹ cô đơn ở riêng phòng trống, giống như người khách nương nhờ nhà người, thường không thương yêu, hoặc không áo mền lạnh lẽo cay đắng, gặp nguy nan quá lắm! 

 

Tuổi già sắc thân suy yếu thêm nhiều rận rệp, khuya sớm không nằm thở dài than vắn, đời trước tội gì, đời nay con bất hiếu. Hoặc khi cha mẹ gọi, nó trợn mắt tức giận, không chịu vâng theo, vợ con trách mắng cúi đầu ngậm cười. Phạm thiên, Đế Thích, các trời, nhân dân, tất cả chúng hội, nghe kinh vui mừng phát tâm Bồ-đề. Gào khóc động địa, lệ rơi như mưa. 

 

Lời bình rằng: Suy nghĩ kỹ việc kia thật thay lời nói đúng. Hoặc có mẹ mà không bằng đứa con này, không như người kia, trong trăm không có một. Vì chúng sinh vô minh từ vô thỉ mê chân chấp vọng, vì cội gốc điên đảo, nhánh nhóc mỗi mỗi đều như vậy. Họa thay! Phàm ngu, làm sao độ được!

 

 

3. Tìm kiếm khắp nơi:

 

Liền dùng đạo nhãn quán sát thế gian, là quán xét chỗ sinh là thiên nhãn thông, do chứng đạo mà được cho nên nói là đạo nhãn. Thế gian có hai: Nói ba cõi là khí thế gian, sáu đường là hữu tình thế gian, nhưng Tôn giả ngày mất mẹ còn là phàm phu, chẳng biết cha mẹ sinh về đường nào? Nay chứng quả Thánh có thể tìm cầu. Vì thiên nhãn quán thấy từ trên xuống dưới trong ba cõi, tìm mẹ trong sáu đường, được thần thông liền quán, cho nên nói là liền.

 

4. Được thấy hiện tại:

 

Thấy vong mẫu kia đọa vào loài quỷ đói, không được ăn uống, chỉ còn da bọc với xương, vốn quán thế gian đều tìm cha mẹ, cha sinh về chỗ vui không nhờ cúng thí, đã chẳng phải tông chỉ của kinh cho nên ở đây không nói. Mẹ sinh đường quỷ đã thuộc ba đường, lại ở quỷ đói, là nơi khổ nhất của quỷ, dứt trừ khổ ấy chỉ có Vu-lan-bồn, phát khởi ý nghĩa chánh tông là ở đó. Đọa vào loài quỷ đói là quả dị thục, do đáp lại dẫn nghiệp. Không được ăn uống là quả đẳng lưu. Đáp lại dẫn nghiệp, là quả của nghiệp tham ăn. Còn da bọc xương là quả tăng thượng, y theo chánh lý mà luận: Quỷ vốn ở dưới năm mươi do-tuần của châu này, mỗi bề cũng bằng như vậy. Có quỷ Diệm-ma-la, từ đây xoay vần đến khắp các phương khác, ở nhân gian một tháng thì cõi này là một ngày, nương vào sự chứa nhóm nhiều năm nhiều tháng này mà sống lâu năm trăm tuổi. Nhưng quỷ có ba loại:

 

Vô tài quỷ: vì không có phước đức nên không được ăn.

Thiểu tài quỷ: được chút ít thức ăn uống ngon.

Đa tài quỷ: được nhiều thức ăn uống ngon.

 

Ba thứ quỷ này mỗi thứ lại có ba:

 

- Quỷ miệng đuốc: Lửa thường cháy hừng hực từ trong miệng tuôn ra, do đời trước đốt cháy xóm làng, thiêu đốt người hiền lương. Vì việc cầu tài vật này mà đọa vào địa ngục. Từ địa ngục ra lại đọa vào loài quỷ này. Cho nên kinh Chánh Pháp Niệm chép: “Niếu người san tham, ganh ghét chiếm đoạt tài vật của người, phá thành quách của người, giết hại tịch thu, cướp bóc được tài vật, dâng lên vua quan, càng thêm hung bạo, đọa trong loài quỷ lửa cháy.

 

- Quỷ cổ nhỏ như lỗ kim: Bụng lớn như núi, cổ nhỏ như lỗ kim, do phá trai ăn đêm, trộm cắp thức ăn của chúng Tăng, cho nên kinh Trai Pháp Thanh Tịnh chép: Ngài Mục-liên đi giữa đường gặp mấy trăm muôn con quỷ, đầu lớn như ngọn núi to…

 

- Quỷ miệng thối: Trong miệng có mùi hôi thối, tự làm ác chịu khổ, vì thường ham danh lợi, tự cho mình phải, người khác quấy, khen ngợi người ác, chê bai người hiền thiện. Y theo ba loại này, thà nuốt hoàn sắt nóng chứ không ăn dùng của tín thí, quỷ của thiểu tài có ba thứ là:

 

– Quỷ lông kim: Lông nhọn như kim, khi đi liền tự chích, vì tham lợi, nên châm cứu đại và chích súc sinh, chỉ vì cầu tài chứ không mong cho người hết bệnh.

 

– Quỷ lông thối: Lông nhọn hôi thối, tự nhổ chịu khổ, vì buôn bán heo dê, chưng hầm ngỗng vịt, nước sôi nung nấu rã ra từng mảnh, đau khổ khó chịu nổi, tội địa ngục hết rồi lại đọa vào đường quỷ này.

 

– Quỷ bướu lớn: Cổ nhỏ bướu lớn, tự móc lấy mủ mà ăn, do ganh ghét với người thường, ôm lòng tức giận.

 

Quỷ Đa tài có ba loại là:

 

- Quỷ được độ vất bỏ: thường được thức ăn do cúng tế vứt bỏ, vì tội nhiều phước ít, ít cúng thí, nặng về san tham, đồ vật quăng bỏ, mới đem cho người.

 

- Quỷ được mất: Thường được thức ăn còn sót lại, trong hang cùng ngõ hẻm, đối với tài vật hiện tại thường sinh tham đắm, nghĩ sắp mất rồi mới xả.

 

- Quỷ Thế lực: Như quỷ Dạ-xoa, La-sát, Tỳ-xá-xà… được hưởng các sự giàu có, an vui giống như trời, người, hoặc nương rừng cây, hoặc ở trong hang núi, hoặc ở linh miếu, hoặc ở hư không, thân thẳng bay đi, thuộc về đường quỷ, các thứ biến hóa này là do nhân địa tội phước không rõ ràng, nhân khổ vui xen nhau. Trong Phó Pháp Tạng chép: Tỳ-kheo, Tăng-già-da-xá, đi bên bờ biển lớn thấy cung điện tuyệt đẹp, cung điện ấy có khóa hai con quỷ… Nay mẹ của tôn giả, chính là quỷ miệng lớn trong quỷ vô tài.

 

Lại có chỗ nói: Ngạ quỷ có ba loại:

 

– Chướng bên ngoài: Khi được gặp nước liền thấy một người cầm dao, gậy… làm chướng ngại.

 

– Chướng bên trong: Miệng có đuốc lửa, hoặc cổ nhỏ như lỗ kim.

 

– Vô chướng: Thấy sông là lửa dữ, hoặc ăn phẩn nhơ, hoặc tự cắt thịt thân mình mà ăn… nay mẹ của tôn giả đang bị chướng bên ngoài. Trên đây các quỷ đều do nhân hạnh của tự tâm vời lấy, quả báo chắc chắn có ứng nghiệm. Ví như bóng và tiếng vang do nơi thân và âm thanh, dù cho cha mẹ cho đến bà con cũng không thể thay thế nhau được. Vì thế những người hiểu biết nên mỗi người khích lệ tâm mình. Nếu gặp duyên tốt không nên bỏ qua. Một mai qua đời thì ai là người tu hành. Dù nương nhờ con cháu bảy phần chỉ được một, huống chi không có con hiếu thảo! Hối hận sao tìm được! 

 

Vả lại phàm phu đời vẩn đục ít người có tâm nhân hiếu, chỉ lo vợ con, đâu nghĩ đến (u linh) linh hồn người chết. Người nghèo hèn bị ép ngặt vì đói lạnh. Người giàu sang bị mê loạn bởi tài sắc, dù cho có thể truy phước đức thì lại nhàm chán công khóa nhiều, hết sức hết lòng muôn người không có một, đường đời tận mắt trông thấy đâu không xét rõ! Cho nên kinh Ân Trọng chép: Vợ chồng hòa hợp cùng gây ra năm tội nghịch, lúc ấy kêu gọi mau mau đi nhanh. Lời của cha mẹ kêu mười trái hết chín, không vâng theo lời, mắng nhiếc tức giận sống còn như vậy, chết rồi có thể biết. Mình đã bất nhân thì con mình làm sao hiếu được! Cho nên xưa có người tiễn đưa ông nội lên rừng vắng, còn giữ xe trở về, đem chuyện xưa xét việc nay tuy đường đi dấu vết khác nhau mà lòng thì giống nhau.

 

5. Cảm động khóc đến cứu: 

 

Mục-liên buồn rầu liền lấy bát đựng cơm đem đến dâng cho mẹ. Bi ai: công ơn sinh thành nuôi dưỡng nặng như trên đã nói, chết rồi chia biệt, cách đời bỗng nhiên gặp lại, dù muốn dung nhan như cũ cũng đáng khóc lóc buồn thương, huống chi thấy hình quỷ da bọc xương, trong miệng khói lửa, trong bụng trống rỗng, khổ như treo ngược mạng chỉ thở hổn hển, đâu không thể nghiền thân đấm ngực khóc lóc gào thét, hận tội nghịch chỉ biết an nhàn trước mắt, đau xót sự chịu khổ của mẹ mình. Kinh nêu ý chung chỉ nói buồn thương. Xét kỹ lúc bấy giờ sao nghi không như thế! Cho nên Tam Tạng khoa nói là suy động. Giải thích rằng: Cảm động thấu xương tủy, kêu gào động trời đất. Bưng bát cơm đến cho mẹ ăn: mẹ đã kéo dài hơi thở thường rơi vào khốn khổ đói khát, vừa đói lại vừa khát, đúng lý phải cứu giúp, cứu đây là gấp cơm ăn là trước, cho nên lấy bát đựng cơm đem đến dâng mẹ.

 

6. Thói xấu hiện còn:

 

Mẹ được bát cơm liền đưa tay trái che bát, tay phải bốc ăn, cơm chưa vào miệng hóa thành than lửa đỏ hồng nên không ăn được. Cảnh tùy tâm thay đổi, quả dựa vào nghiệp mà thành. Nhân đói khát chưa dứt thì duyên no đủ đâu có được! Quỷ là miệng đuốc, thức ăn gần miệng mà hừng hực, nước thành băng cứng, băng gần nước sôi mà cứng như vậy. Cho nên biết thần lực không cấm được nghiệp lực. Dứt đói khát quan trọng lại dứt san tham, cho nên sáu thần thông đến dâng cơm mà với lấy tai ương, trăm vị bày biện trong bồn mà chịu khổ. Lớn thay nghiệp chín muồi suy nghĩ được ư! Nay tay trái che bát tham sợ xâm chiếm các thứ khác, tay phải bốc cơm tham lam chỉ để mình ăn, tham lam dữ dội hiện hạnh như vậy. Cơm canh duyên kém làm sao mà cứu giúp! Cho nên hóa thành lửa không ăn được. Trên đây phần tựa đã xong.

 

 

 

II. PHẦN CHÁNH TÔNG

 

 

Ông Mục Liên kêu to, buồn rầu khóc lóc, vội vã trở về bạch với đức Phật, thuật đủ những việc như thế.

 

Đức Phật dạy rằng:

 

Tội căn của mẹ ông gây kết sâu nặng, chẳng phải thần lực của một mình ông mà có thể làm cứu được. Dầu rằng ông có lòng hiếu thuận, tiếng tăm vang động cả trời đất, mà những vị thiên thần, địa kỳ, tà ma, ngoại đạo, đạo sĩ và bốn vị Thiên vương thần cũng không thể làm thế nào cứu được. Cần phải nhờ đến sức oai thần của chúng Tăng ở mười phương, mẹ ông mới có thể giải thoát. Nay Ta sẽ nói phương pháp cứu tế, làm cho tất cả kẻ bị hoạn nạn như thế, đều được thoát khỏi những sự buồn khổ.

 

Đức Phật bảo ông Mục Liên:

 

Ngày rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ của chúng Tăng ở mười phương, đến ngày ấy người làm con phải nên vì cha mẹ trong bảy đời đã qua và cha mẹ trong đời hiện tại đang bị khổ trong vòng ách nạn, mà sắm những giường trải nệm chiếu, những bồn chậu đựng nước rửa, hương dầu, đèn nến, năm thứ trái, cơm canh trăm thứ những đồ ăn ngon lành nhứt trên đời, đựng vào trong bồn cúng dường cho hàng Đại đức Tăng ở mười phương.

 

Đang trong ngày đó, tất cả Thánh chúng: hoặc những người tu thiền nhập định ở trong núi, hoặc những vị chứng được bốn đạo quả, hoặc những người đi kinh hành dưới cội cây hoặc những bực Thanh văn và Duyên giác đủ sáu pháp thần thông tự tại giáo hóa, hoặc là hàng Thập địa Bồ tát Đại nhơn quyền hiện làm Tỳ kheo… đồng hội về ở trong Đại chúng đều đồng nhứt tâm lãnh thọ bát cơm, đạo đức của hàng Thánh chúng hoàn toàn giới hạnh thanh tịnh đó rất là rộng lớn.

 

Có người nào cúng dường cho hàng chúng Tăng Tự Tứ dường ấy, thì cha mẹ cùng lục thân quyến thuộc trong đời hiện tại của người đó được ra khỏi chốn khổ tam đồ, liền giải thoát hưởng thọ những đồ mặc, món ăn tự nhiên. Như cha mẹ hiện đang còn sống, thời sống lâu trăm tuổi hưởng phước an vui. Còn cha mẹ trong bảy đời đã qua, đề được sanh lên cõi trời, hóa sanh tự tại vào trong cõi trời sáng đẹp.

 

Bấy giờ, đức Phật truyền chúng Tăng ở mười phương, trước phải vì người thí chủ mong chờ chú nguyện, cầu cho cha mẹ bảy đời, mà chuyên ý thiền định rồi sau mới thọ thực.

 

Lúc ban đầu thọ thực, trước hết để món ăn nơi trước đức Phật, hay để trước tượng Phật trong chùa tháp, chúng Tăng đồng chú nguyện xong, rồi mới tự thọ thực.

 

Lúc đó, ông Mục Liên Tỳ kheo và hàng đại Bồ tát đều rất vui mừng, tiếng buồn rầu khóc lóc của ông Mục Liên liền nín lặng.

 

Chính trong ngày đó, bà mẹ của ông Mục Liên được thoát khỏi một kiếp chịu khổ trong loài ngạ quỷ. 

 

Thấy như vậy âu-sầu thê-thảm,

Mục-kiền-liên bi-cảm xót thương,

Mau mau về đến giảng-đường,

Bạch cùng sư-phụ tìm phương giải nàn.

 

Phật mới bảo rõ ràng căn-cội,

Rằng mẹ ông gốc tội rất sâu.

Dầu ông thần-lực nhiệm-mầu,

Một mình không thể ai cầu được đâu.

Lòng hiếu-thảo của ông dầu lớn,

Tiếng vang đồn thấu đến cửu-thiên

Cùng là các bực Thần-kỳ

Tà, ma, ngoại-đạo, bốn vì Thiên-vương

 

Cộng ba cõi sáu phương TỤ TẬP,

Cũng không phương cứu-tế mẹ ngươi.

Muốn cho cứu đặng mạng người,

Phải nhờ thần-lực của mười phương Tăng.

 

Pháp cứu-tế ta toan giải nói

Cho mọi người thoát khỏi ách-nàn

 

Bèn kêu Mục-thị đến gần,

Truyền cho diệu-pháp ân-cần thiết thi

Rằm tháng bảy là ngày Tự-tứ

Mười phương Tăng đều dự lễ này

Phải toan sắm sửa chớ chầy

Thức ăn TRĂM VỊ trái cây NĂM MÀU

 

Lại phải sắm giường nằm nệm lót

Cùng thau, bồn, đèn đuốc, nhang, dầu,

Món ăn tinh-sạch báu mầu

Ðựng trong bình-bát vọng-cầu kính dâng

 

Chư Ðại-đức mười phương thọ-thực

Trong bảy đời sẽ đặng siêu thăng

Lại thêm cha mẹ hiện-tiền

Ðặng nhờ phước-lực tiêu-khiên ách-nàn.

 

Vì ngày ấy Thánh-tăng đều đủ

Dầu ở đâu cũng TỤ HỘI về.

Như người Thiền-định sơn-khê

Tránh điều phiền-não chăm về thiền-na

Hoặc người đặng bốn tòa đạo quả

Công tu-hành nguyện thỏa vô-sanh

Hoặc người thọ hạ kinh-hành

Chẳng ham quyền-quý ẩn-danh lâm-tòng

 

Hoặc người đặng lục-thông tấn-phát

Và những hàng Duyên-giác, Thanh-văn

Hoặc chư Bồ-tát mười phương

Hiện hình làm sãi ở gần chúng-sanh

 

Ðều trì giới rất thanh, rất tịnh

Ðạo-đức dày, chánh-định chơn-tâm

Tất cả các bực Thánh, Phàm

Ðồng lòng thọ-lãnh bát cơm lục-hòa

 

Người nào có sắm ra vật-thực

Ðặng cúng-dường Tự-tứ Tăng thời

Hiện-tiền phụ-mẫu của người

Bà con quyến-thuộc thảy đều nhờ ơn

Tam-đồ khổ chắc rằng ra khỏi

Cảnh thanh-nhàn hưởng-thọ tự-nhiên.

Như còn cha mẹ hiện-tiền

Nhờ đó cũng đặng bá niên thọ-trường

 

Như cha mẹ bảy đời quá-vãng

Sẽ hóa-sanh về cõi thiên-cung

Người thời tuấn-tú hình-dung

Hào-quang chiếu sáng khắp cùng châu-thân

 

Phật dạy bảo mười phương Tăng-chúng

Phải tuân theo thể-thức sau này:

Trước khi thọ thực đàn chay

Phải cầu chú-nguyện cho người tín-gia.

Cầu thất-thế mẹ cha thí-chủ

Ðịnh tâm-thần quán đủ đừng quên

Cho xong ý-định hành-thiền

Mới dùng phẩm-vật đàn-tiền hiến-dưng.

 

Khi thọ-dụng nên an vật-thực

Trước PHẬT TIỀN hoặc tự THÁP TRUNG:

Chư Tăng chú nguyện viên dung

Sau rồi tự-tiện thọ dùng bữa trưa

 

Pháp cứu-tế Phật vừa nói dứt

Mục-liên cùng Bồ-tát chư Tăng

Ðồng nhau tỏ dạ vui mừng

Mục-liên cũng hết khóc thương rầu buồn

Mục-liên mẫu cũng trong ngày ấy

Kiếp khổ về ngạ-quỷ được tan

 

Mục-Liên đại khiếu, bi hiều thế khấp, trì huờn bạch Phật, cụ trần như thử.

 

Phật ngôn : “Nhữ mẫu tội-căn thâm kiết, phi nhữ nhứt nhơn lực sở nại hà !

Nhữ tuy hiếu-thuận, thinh động thiên-địa, Thiên-thần, Địa-kỳ, tà-ma, ngoại-đạo, đạo-sĩ, tứ Thiên-Vương Thần, diệc bất năng nại hà !

Ðương tu thập-phương chúng Tăng oai-thần chi lực, nãi đắc giải-thoát.

Ngô kim đương thuyết cứu-tế chi pháp, linh nhứt-thiết nạn, giai ly ưu khổ.

Phật cáo Mục-Liên : “Thập-phương chúng Tăng, thất nguyệt thập ngũ nhựt, Tăng Tự-tứ thời, đương vị thất thế phụ mẫu, cập hiện-tại phụ mẫu ách nạn trung giả, cụ phạn bá vị, ngũ quả, cấp quán bồn khí, hương du, đính chúc, sàng phu ngọa cụ, tận thế cam mỹ, dĩ trước bồn trung, cúng-dường thập-phương đại đức chúng Tăng.

Ðương thử chi nhựt, nhứt thiết Thánh-chúng, hoặc tại sơn gian thiền-định, hoặc đắc tứ đạo quả, hoặc tại thọ hạ kinh-hành, hoặc lục-thông tự-tại giáo-hóa Thanh-văn, Duyên-giác, hoặc thập-địa Bồ-tát đại-nhơn, quyền hiện Tỳ-kheo tại đại-chúng trung, giai đồng nhứt tâm thọ bát-hòa-la phạn, cụ thanh-tịnh giới Thánh-chúng chi đạo, kỳ đức uông dương.

Kỳ hữu cúng-dường thử đẳng Tự-tứ Tăng giả, hiện thế phụ-mẫu, lục-thân quyến-thuộc, đắc xuất tam-đồ chi khổ, ứng thời giải-thoát, y thực tự-nhiên.

Nhược phụ-mẫu hiện tại giả phước lạc bá niên.

Nhược thất thế phụ-mẫu sanh Thiên, tự tại hóa sanh nhập Thiên-hoa quang”.

 

Thời, Phật sắc thập phương chúng Tăng, giai tiên vị thí chủ mông chú nguyện, nguyện thất thế phụ-mẫu, hành thiền-định ý nhiên-hậu thọ thực.

Sở thọ thực thời, tiên an tại Phật tiền, tháp tự trung Phật tiền, chúng Tăng chú nguyện cánh, tiện tự thọ thực.

Thời, Mục-Liên Tỳ-kheo cập đại Bồ-tát chúng, giai đại hoan-hỉ: Mục-Liên bi đề khấp thinh thích nhiên trừ diệt.

Thời, Mục-Liên mẫu tức ư thị nhựt, đắc thoát nhứt kiếp ngạ-quỉ chi khổ.

 

 

SỚ GIẢI :

 

Văn phần chánh tông chia làm hai:

 

– Mục-liên buồn rầu trình bày khổ nguy.

– Như Lai rộng bày lý do.

 

Mục-liên buồn rầu trình bày nguy khổ:

 

Mục-liên kêu gào buồn rầu than khóc trở về bạch Phật, kể lại đầy đủ như vậy. Con vội vàng bày tỏ với cha, thần vội vàng tỏ ý với vua, năng lực mình không thể, lý phải tìm đến Đức Phật, đệ tử siêng quán bốn đế, đã chứng ba minh, ngược lại có thể che núi sông, xoay chuyển mặt trời, mặt trăng, đâu lường trước mẹ chịu cực khổ! Mạng như treo ngược, con hiếu hết sức chí thành, dùng hết thần biến mà cuối cùng vẫn không thể dứt trừ ác báo, tạm cứu bụng đói. Cho nên kêu gào than khóc vội vàng trở về, trình thưa đầy đủ, đau xót thành khẩn.

 

Như Lai nói rộng bày lý do, có tám:

 

Như Lai rộng bày lý do. Lại nương vào ba tạng, đại khái chia làm tám đoạn:

 

- Nói về tội lỗi của người mẹ rất nặng.

- Nói đức con kém.

- Quở trách tà đạo không có năng lực.

- Nói lên có khả năng.

- Hứa khả cứu vớt.

- Chỉ bày chánh pháp.

- Con hiếu lĩnh ngộ.

- Mẹ được lợi ích.

 

1. Nói tội lỗi người mẹ rất nặng:

 

Phật dạy, mẹ ông gốc tội sâu dày. Trong kinh nói: Thời Đức Phật Định Quang, Mục-liên tên La-bặc (Bốc) mẹ tên Thanh-đề lúc La-bặc sắp đi dặn dò mẹ rằng: Nếu có khách đến mẹ nên chuẩn bị đãi cơm đầy đủ. Khi La-bốc đi rồi, khách đến thì người mẹ không cung cấp, mà nói dối là có cúng dường thức ăn. Con trở về hỏi: Hôm qua khách đến sao mẹ không làm đầy đủ, mẹ nói: Con không thấy bữa tiệc đó ư! Từ đó về sau trong năm trăm đời san tham nối nhau, cho nên nói rằng tội nặng sâu dày. Tội là nghiệp của thân, miệng, căn là lòng san tham, nhiều đời nối tiếp nhau là sâu. Liền với nhau vững chắc khó mở ra gọi là kết. Từ san tham khởi lên đều là tội nghiệp. Chẳng phải chỉ vào thời ấy một lần nói dối. San tham là gốc khổ, việc làm là nghiệp khổ, quỷ đói là quả khổ, là ba đường. Nếu y theo mười giới trọng, thì san cũng là nghiệp, chỉ có tham là gốc, dấy lên tội nghiệp.

 

Hỏi: Trong năm trăm đời san tham nên làm người làm quỷ phải không.

Đáp: Người quỷ xen nhau, tạo chịu giúp nhau hoặc chỉ cho thân người không gọi là ác báo, hoặc chỉ có thân quỷ không nên tạo nghiệp, hoặc chỉ là súc sinh đối với lý không ngại. Nhưng thói san tham không dứt nên gọi là nối nhau.

 

Hỏi: Mục-liên từ thời Phật Định Quang đến nay, mẹ sinh ra không phải một, vì sao chỉ cứu Thanh-đề kia!

Đáp: Thanh-đề và Mục-liên có nhân duyên sâu sắc, đời nay lại là mẹ của Mục-liên, chỉ cứu mẹ đã sinh ra thân đời này chẳng phải cứu Thanh-đề đời xa xưa hay sao? Các luận nói đều là chưa đạt.

 

2. Nói con đức kém:

 

Chẳng phải một mình năng lực của ông mà làm gì được, mẹ ông tâm san tham, tham với tất cả, thời gian trải qua nhiều đời, sự việc trải qua nhiều người, một mình ông làm sao cứu vớt được!

 

3. Quở trách tà đạo không có năng lực:

 

Ông tuy hiếu thuận nói tiếng khắp cả trời đất, thiên thần, địa kỳ, ngoại đạo, tà ma, đạo sĩ, bốn Thiên vương thần, cũng không thể làm thế nào được. Tam Tạng nói: Cho dù ông cảm đến thiên linh ở cõi trên, động đến địa kỳ ở phương dưới, dù nhiếp tà ma hoạnh la ngoại đạo, chung cả sáu hợp làm cùng một nhà, gom chung tám bộ làm thành chúng. Nhập lại thần lực kia cũng không làm thế nào được! Đạo sĩ ngoại đạo là đạo sĩ của ngoại đạo. Phân biệt với đạo sĩ của nội đạo. Phật giáo lúc đầu truyền đến Trung quốc, gọi tăng là đạo sĩ. Bốn Thiên vương là Tỳ-sa môn… giữ gìn thế giới.

 

4. Nói lên có khả năng:

 

Phải nhờ đức oai thần của chúng tăng trong mười phương mới được giải thoát. Tam tạng nói: một sợi tơ không thể tạo tượng, phải nhờ nhiều sợi tơ. Một người không thể trừ nghiệp, phải nhờ nhiều đức. Nay nói rõ văn kinh trước sau, do tà chánh, một nhiều đối nhau mới có bốn trường hợp:

 

- Chánh nhưng không nhiều, đây không thể cứu được. Trước một mình ông chẳng làm thế nào được.

- Nhiều nhưng chẳng chánh cũng không thể cứu được, tức là trước thần kỳ, tà ma ngoại đạo….ở trước.

- Vừa nhiều vừa chánh: Thì mới cứu được, tức là mười phương tăng.

- Không nhiều không chánh, rõ ràng không thể, cho nên không có trong văn kinh.

 

5. Hứa khả cứu vớt: 

 

Nay Ta sẽ nói pháp cứu giúp, khiến tất cả các tai nạn đều không còn lo lắng buồn khổ. Nay sẽ nói: chính là lời đồng ý. Pháp cứu giúp: Là việc hứa khả. Khiến cho tất cả… là cái nỏ ngàn cân, không riêng là chuột chù phát cơ, tôn quý của ba cõi, đâu chỉ giúp cho mẹ ông lìa khổ?

 

6. Chỉ bày chánh pháp: 

 

Trong chỉ bày chánh pháp chia làm hai:

 

- Trước dạy pháp hiến cúng của người con hiếu.

- Sau dạy nghi thọ cúng của chúng tăng.

 

Trong phần đầu lại có năm:

 

- Chọn lúc tốt.

- Phát tâm cao siêu.

- Bày cúng dường đúng pháp.

- Khen ngợi ruộng tốt.

- Được lợi ích tốt đẹp.

 

Nghĩa là ngày tự tứ là lúc tốt. Như mặt trăng mùa xuân, tâm hiếu là ý tốt. Như hạt giống tốt mới, trăm món ăn năm thứ trái cây… là cúng dường đúng pháp. Như trâu cày giỏi lấy đó cúng dường. Như có thể cày cấy, hiền Thánh là ruộng tốt. Như đất phì nhiêu, cha mẹ bà con quyến thuộc còn và mất, cho đến bảy đời xa lìa khổ sinh lên cõi trời là lợi ích tốt đẹp. Như ngàn chái muôn hộc, mùa thu gạt hái, mùa đông cất giữ. Ý Văn kinh mạnh mẽ, đâu không phải như thế! Người trí thấy rõ, như chỉ tay trong lòng bàn tay.

 

Trước chỉ dạy pháp cúng dường của người con hiếu, có năm:

 

Chọn lúc tốt:

 

Phật bảo Mục-liên ngày rằm tháng bảy là ngày chúng tăng trong mười phương tự tứ. Tiếng Phạm là Tăng-già, Hán dịch là Chúng hòa hợp, nghĩa là nếu chúng mà không hòa, như những người buôn bán, các quan lại và quân đội… đều không gọi là Tăng bảo. Nếu hòa mà không đủ chúng, như hai người cùng một lòng, cũng chẳng phải Tăng bảo. Chúng mà hòa hợp là nhân phước đức, mới gọi Tăng bảo. Hòa hợp ở đây có sáu thứ là thân hòa đồng sự, ngữ hòa đồng mặc, ý hòa đồng nhẫn, giới hòa đồng tu, kiến hòa đồng giải, lợi hòa đồng quân. Nhà Nho nói tiểu nhân quân tử, hoặc là hòa hoặc là đồng. Nay Tỳ-kheo Thích tử vừa hòa vừa đồng. Nay nói mười phương: Pháp không hạn cuộc đâu ngăn cách thân sơ. Chúng Tăng: Tiếng Phạm đời Đường chú trọng nêu lên sự khiêm tốn của người dịch. 

 

Ngày rằm tháng bảy: an cư ba tháng hạ xong thì tự tứ, tự tứ có ba ngày: đó là ngày mười bốn, mười lăm, mười sáu, ở đây nêu lên ngày ở giữa. Đây thừa chữ tăng, bỏ đi thì câu lại thiếu, cũng là chỗ sai của người dịch. Vì sao không nói khi cùng tự tứ! Tự tứ là lỗi của mình tha hồ được người khác nêu ra, nghĩa là một hạ an cư, chín tuần gia hạnh, không chứng bốn quả thì cũng được bốn thiền, Đức Phật lập ra giáo môn bổn ý như thế, chúng Tăng thời chánh, tượng mạt pháp đều như vậy. Tuy sau năm trăm năm, cũng có vị giữ giới tu phước. 

 

Nhưng muốn thoát khỏi biển khổ thì phải cẩn thận giữ gìn phao nổi, vẫn còn sợ hạn cuộc vào bến mê, phải nhờ sự quán xét được mất ở bên ngoài. Dù không dứt hoặc chứng quả nhưng vẫn hy vọng tội diệt phước sinh, vén y bày vai phải ở trong chúng bạch đại đức trưởng lão, hoặc thấy lỗi của tôi, hoặc nghe tội của tôi, hoặc nghi tôi có phạm, xin tha hồ nêu lên, thương xót nói cho con, con sẽ sám hối, như thế thì thân tâm thanh tịnh, giống như lưu li, huống chi thiền định giải thoát đều được, cúng dường người này thì lực dụng có thể biết là dường nào, đâu không thể cứu được người còn kẻ mất, giúp đỡ hiện tại? 

 

Cho nên Tam tạng nói: Ngày thọ tuế (nhận tuổi hạ) của Tỳ-kheo là lúc đại chúng tự tứ, chúng Tăng phần nhiều chứng được một trong bốn quả, cho nên có khả năng cứu độ trong bảy đời.

 

Phát ý cao siêu:

 

Sẽ vì cha mẹ bảy đời và cha mẹ hiện tại đang trong cơn nguy khốn, sẽ vì là tâm năng cứu, cảnh sở cứu của bảy đời về sau. Y theo cảnh mà nói về tâm nên nói là thắng. Về bảy đời cha mẹ sở sinh không giống nho giáo chọn lấy tổ tông đời trước. Trong cơn nguy nan, là chung cho kẻ còn người mất, mất thì địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, còn thì đau ốm giam cầm, đều gọi nguy nan. Cha mẹ bảy đời mặc dù đã xa, đều là người đã sinh ta tu đạo, đã nhờ nuôi dưỡng sao lại phụ công ơn sâu dày! Cho nên tam tạng nói: Trời đất che chở, đã không sợ mệt nhọc, âm phủ và dương gian chìm đắm trong biển khổ, lý hợp với đáp là không cùng.

 

Bày cúng dường đúng pháp:

 

Sắm sửa đồ cúng dường đúng pháp, cơm đủ (thức ăn) một trăm vị năm thứ trái cây các thứ đồ dùng tắm gội dầu thơm, đèn đuốc, đồ nằm, ghế ngồi, tất cả đồ ngon ngọt để vào trong bồn cúng dường đại đức chúng tăng trong mười phương. Cơm đủ trăm vị là nêu chung, như người sắm bữa tiệc lớn mời khách đến chỉ nói ăn cơm, cho nên cơm là gồm chung trăm vị. Trăm là số nhiều chẳng phải nhất định một trăm.

 

Năm thứ quả là:

 

Quả có hạt như táo, hạnh, đào, mận…

Quả có da như dưa hấu, lê, táo…

Quả có vỏ cứng như hồ đào, thạch lựu..

Quả có vỏ cám như tô nhậm…

Quả có sừng như củ ấu, đậu…

 

Như trên đều dùng lưỡi để nếm vị. Vật để múc nước là những đồ dùng để tắm gội và ghế ngồi, đồ nằm, đều do thân cảm biết. Hương là mùi do mũi ngửi, dầu đèn đuốc… là vật đốt. Dùng mắt thấy được, cũng có thể là thoa dầu thơm vào thân, cũng thuộc về thân, Tây Vực như thế. Tất cả thứ ngon ngọt trên đời cũng thuộc về lưỡi. Từ trên đến đây trong năm thứ ham muốn chỉ thiếu âm thanh. Từ ngữ trên đời là rõ ràng ý thú kia, có hai thứ tận: là giàu sang thì sở hữu của suốt đời, có thì phải cầu, nghèo hèn thì hết sức làm cho bằng được và phải tìm kiếm, biết được vật không nhất định nhiều ít, chỉ làm hết lòng mình, cũng giống như kia thụ hưởng đối với việc chí thành làm sáng tỏ đạo đức. Để trong bồn là người dịch kinh lầm, làm sao ghế ngồi để trong bồn chẳng được! 

 

Nên nói: để trong hội cúng Vu-lan. Hai câu cúng dường là nói về hạnh. Theo bổn ý của kinh thì chỉ đem vật thọ dụng được để cúng dường đại đức tăng, không cần vòng ngọc điêu khắc chạm trổ, lụa là quý giá… cho nên Tam Tạng nói: ông phải sắm đủ bốn việc, như vật đẹp tám thứ quý báu, trải qua mười phương mà vận dụng tư tưởng, lắng lòng mà cúng dường.

 

Khen ngợi ruộng tốt:

 

Vào ngày này tất cả Thánh chúng, hoặc đang thiền định trong núi, hoặc chứng được bốn đạo quả, hoặc đang kinh hành dưới gốc cây, hoặc chứng được sáu thông tự tại, chỉ dạy giáo hóa Thanh văn, Duyên giác, hoặc Bồ-tát Thập địa đại nhân quyền hiện Tỳ-kheo ở trong đại chúng đều cùng nhau nhất tâm nhận cơm trong bát hòa-la, đầy đủ Thánh chúng giới đức thanh tịnh. Hai câu đầu y theo lúc người khen ngợi mà nêu chung, hai câu cuối dùng oai nghi khen ngợi người mà tổng kết.

Chặng giữa người pháp có năm cặp đối nhau, nhưng văn không có thứ lớp nghĩa là xứ có trong núi, dưới cây chứng có cặp bốn quả, sáu thông, hạnh có cặp lợi mình, lợi người, học có cặp giới, định, người cặp có lớn, nhỏ, cũng gọi đối quyền, thật, lại nói chung không ngoài người pháp. Nói đối ba học, ba thừa, từ ban đầu cho đến bốn quả thiền định. Kế là từ hoặc ở dưới cho đến tự tại giáo hóa trí tuệ, đều giống như ba câu tịnh giới ở dưới. 

 

Ba thừa: Tức là Thanh văn, Duyên giác, thập địa đại nhân, đều cùng nhất tâm là ý hòa hợp. Nghĩa là khi thọ cúng đều cùng đem hết tâm hổ thẹn, ân nặng, tâm từ bi cứu giúp báo ân. Người thì tuy địa vị có phàm Thánh, đức có tốt, kém, mà sự vận tâm thì một không khác, nên nói là đồng. Nhận cơm bát hòa-la: Cơm trong bát, tiếng Phạm nói Bát-đa-la, Hán dịch là Ứng lượng khí chữ hòa là sai. Thời nay chỉ gọi bát là nói lược. Đề kinh nói bồn, tức là bát. Khi dịch tùy theo phong tục, tựa đề nói là bồn, bồn và bát đều là đồ đựng. Tam Tạng giải thích đề dịch là “cứu khí”, câu này trong kinh nói tự tứ đại đức nhận cúng Vu lan-bồn.

 

Được lợi ích tốt đẹp:

 

Nếu có cúng dường chúng tăng tự tứ này cha mẹ bà con quyến thuộc đời này, được ra khỏi khổ ba đường (ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) ứng thời giải thoát, cơm áo tự nhiên. Hoặc cha mẹ hiện tại: Phước lạc trăm năm, hoặc cha mẹ bảy đời được sinh lên cõi trời, hóa sinh tự tại lên tầng trời Thiên Hoa Quang. Vừa xướng kinh này có hai ý nhỏ: một nửa đầu tiên: nhờ năng lực của bi nguyện mà xa lìa khổ, một nửa sau là nhờ năng lực của từ nguyện mà được vui, trong vui có sự khác nhau giữa người còn và mất.

Đầu tiên nói chúng Tăng tự tứ này là chỉ năm cặp trước đã nói. Cha mẹ hiện tại là chỉ cho cha mẹ sinh ra thân này, chẳng phải nói chưa mất gọi là đời nay, cho nên chỉ được lợi ích là ra khỏi ba đường. Cha mẹ hiện tại chưa mất trở xuống tự có văn nói phước lạc một trăm năm, không nên lại nêu tam tạng hiểu lầm, cho nên giải thích khác, rất chẳng phải ý văn. Sáu thân là cha, mẹ, anh, em, chồng, vợ, quyến thuộc, tất cả thân thích là kể cả trong ngoài. Giải thoát ra khỏi ba đường là nói chung xa lìa khổ. Cơm áo tự nhiên là vượt qua ba đường, sinh lên cõi trời, cõi người, cho nên thuộc văn cứu khổ, cũng có thể được vui thuộc đời sau. Hoặc cha mẹ trở xuống là nói còn mất được vui, lời văn rất dễ hiểu. Thiên Hoa Quang là ánh sáng nhiệm mầu trên trời, lược chỉ cho sự vui sướng.

 

Hai là chỉ dạy nghi thức chúng Tăng thọ cúng dường.

 

Đức Phật bảo chúng Tăng mười phương, trước tiên chú nguyện cho thí chủ, nguyện cha mẹ bảy đời, hành thiền định ý rồi, sau đó nhận thọ thực. Khi chưa thọ thực, trước để trước Phật trong chùa tháp, chúng Tăng chú nguyện xong thì tự mình thọ thực. Trong đây, nửa trước là thanh tịnh ba nghiệp, nửa sau là đầy đủ Tam bảo, trước chú nguyện là khẩu nghiệp, thiền định là ý nghiệp, thọ thực là thân nghiệp. Trong phần sau, trước sau mới ăn, luật pháp như thế, tức là chữ thọ cũng thuộc pháp. Tháp: là từ ngữ sai của quốc gia vùng biên giới, nói đúng phải là Tốt-đổ-ba, Hán dịch là Cao hiển xứ, trong đây ý chung cho điện tháp, tháp để xá-lợi, điện thờ tượng Phật.

 

7. Người con hiếu lãnh ngộ:

 

Lúc bấy giờ, Tỳ-kheo Mục-liên và chúng Đại Bồ-tát đều rất vui mừng, Mục-liên không còn buồn rầu khóc lóc, tịnh nghiệp đã thành thì chắc chắn lìa khổ. Xét nhân nghiệm quả như tiếng dội không sai, cho nên vui mà nín khóc. Như hình ngục ở đời dặn dò người có sức mạnh, tiền của đã được thì làm cho tâm vui.

 

8. Mẹ hiền được lợi ích:

 

Lúc bấy giờ, mẹ ngài Mục-liên, ngay trong ngày đó được thoát khổ quỷ đói trong một kiếp, Mục-liên nghe kinh chính là được sự chỉ dạy cúng dường Vu-lan, hợp với lúc khác, ở đây nói theo thứ lớp bèn là thoát quỷ đói, là người dịch kinh lược bỏ, ứng hợp với chánh tông chỗ cuối cùng nhà kết tập ghi rằng: Lúc bấy giờ, Mục-liên nghe như vậy, pháp này đã đến ngày rằm tháng bảy, sắm sửa đồ cúng dường Vu-lan, cúng dường chúng tăng tự tứ rồi, mẹ ngài Mục-liên ngay trong lúc ấy được thoát khổ quỷ đói trong một kiếp, cho nên văn nghĩa đều hiển rõ. Cho nên Tam tạng nói: Con hiếu đã dâng cúng vào buổi sáng này, người mẹ bèn dứt được ương lụy ngay ngày ấy. Rộng lớn thay năng lực của bậc Thánh, nhanh chóng như thế. Quỷ đói kia chịu khổ trải qua nhiều kiếp, đợi xem xét rồi sẽ trình bày.

 

 

 

III.- PHẦN LƯU THÔNG

 

 

Ông Mục Liên lại bạch với đức Phật rằng:

 

Sanh mẫu của đệ tử nay do nhờ sức công đức của Tam Bảo và sức oai thần của chúng Tăng mà được khỏi khổ. Còn về đời vị lai, tất cả đệ tử của Phật cũng phải phụng Bồn Vu Lan để cứu độ cha mẹ hiện tại nhẫn đến cha mẹ trong bảy đời đã qua, làm như thế được chăng?

 

Đức Phật nói:

 

Ông hỏi rất hay! Chính là Ta vừa muốn nói, mà ông nay hỏi liền.

 

Nầy thiện nam tử! Những người tu hạnh hiếu từ hoặc là Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, hoặc là quốc vương, thái tử, quan đại thần, tể tướng, tam công, trăm quan, muôn dân, kẻ thứ thấp hèn… đến ngày rằm tháng Bảy, ngày đức Phật hoan hỷ, ngày chúng Tăng Tự tứ, đều nên trước vì cha mẹ hiện tại và cha mẹ trong bảy đời đã qua, mà sắm cơm và đồ ăn trăm vị thơm ngon để vào Bồn Vu Lan cúng dường cho chúng Tăng Tự tứ ở mười phương. Cầu nguyện cho cha mẹ được sống lâu trăm tuổi, không đau ốm, không tất cả hoạn nạn khổ não, nhẫn đến cầu nguyện cho cha mẹ trong bảy đời đã qua thoát khỏi chốn khổ ngạ quỷ, sanh vào trong loài người, hoặc cõi Trời hưởng phước vui vô cùng.

 

Là hàng đệ tử của Phật tu hạnh hiếu thuận, trong mỗi niệm phải thường nhớ tưởng cha mẹ hiện tại, nhẫn đến cha mẹ trong bảy đời. Mỗi năm đến ngày Rằm tháng Bảy, do lòng hiếu thuận thường nhớ tưởng đến cha mẹ đã sanh mình, vì cha mẹ sắm Bồn Vu Lan cúng dường đức Phật và chúng Tăng, để đền đáp công ơn từ ái nuôi nấng của cha mẹ.


 

Nếu làm đệ tử của đức Phật, tất cả phải nên phụng trì phương pháp báo hiếu nầy.

 

Bấy giờ, ông Đại Mục Kiền Liên Tỳ kheo và bốn hàng đệ tử đều vui mừng tuân theo thực hành.

 

Mục-liên bạch với Phật rằng:

"Mẹ con nhờ sức Thánh-Tăng khỏi nàn

 

Lại cũng nhờ oai thần Tam-bảo

Bằng chẳng thì nạn khổ khó ra

Như sau đệ-tử xuất-gia

Vu-lan-bồn pháp dùng mà độ sanh

 

Ðộ cha mẹ còn đương tại thế

Hoặc bảy đời có thể đặng không ?"

 

Phật rằng: "Lời hỏi rất thông

Ta vừa muốn nói con dùng hỏi theo

 

Thiện-nam-tử, tỳ-kheo nam nữ

Cùng quốc-vương, thái-tử, đại-thần

Tam-công, tể-tướng, bá-quan

Cùng hàng lê-thứ vạn dân cõi trần

Như chí muốn đền ơn cha mẹ

Hiện-tại cùng thất-thế tình thâm

Ðến rằm tháng bảy mỗi năm

Sau khi kiết-hạ chư Tăng tựu về

 

Chính ngày ấy Phật-đà hoan-hỉ

Phải sắm sanh BÁ VỊ cơm canh

Ðựng trong bình-bát tinh-anh

Chờ giờ Tự-tứ chúng Tăng cúng-dường

 

Ðặng cầu-nguyện song-đường trường-thọ

Chẳng ốm đau, cũng chẳng khổ chi

Cùng cầu thất-thế đồng thì

Lìa nơi ngạ-quỷ sanh về nhơn, thiên

 

Ðặng hưởng phước nhân duyên vui đẹp

Lại xa lìa nạn khổ cực thân

 

Môn-sanh Phật-tử ân-cần

Hạnh tu hiếu-thuận phải cần phải chuyên

 

Thường cầu-nguyện thung-huyên an-hảo

Cùng bảy đời phụ-mẫu siêu-sanh

Ngày rằm tháng bảy mỗi năm

Vì lòng hiếu-thảo thâm-ân phải đền

Lễ cứu-tế chí-thành sắp đặt

Ngỏ cúng-dường chư Phật chư Tăng

Ấy là báo đáp thù ân

Sanh-thành dưỡng-dục song-thân buổi đầu

 

Ðệ-tử Phật lo âu gìn-giữ

Mới phải là Thích-tử Thiền-môn

Vừa nghe dứt pháp Lan-bồn

Môn-sanh tứ-chúng thảy đồng hỉ-hoan

 

Mục-liên với bốn ban Phật-tử

Nguyện một lòng tín-sự phụng-hành !

 

 

Mục-Liên phục bạch Phật ngôn : “Ðệ-tử sở sanh mẫu đắc mông Tam-Bảo công-đức chi lực, chúng Tăng oai-thần chi lực cố.

Nhược vị-lai thế, nhứt thiết Phật đệ-tử, diệc ưng phụng Vu-Lan-Bồn, cứu độ hiện-tại phụ mẫu nãi chí thất thế phụ mẫu, khả vi nhĩ phủ ?”.

 

Phật ngôn : Ðại thiện khoái vấn ! Ngã chánh dục thuyết nhữ kim phục vấn.

Thiện-nam tử ! Nhược Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Quốc-vương, Thái-tử, Đại-thần, Tể-tướng, Tam-công, bá quan, vạn dân, thứ nhơn hành từ-hiếu giả, giai ưng tiên vị sở sanh hiện-tại phụ mẫu, qúa-khứ thất thế phụ mẫu, ư thất nguyệt thập ngũ nhựt, Phật hoan-hỉ nhựt, Tăng Tự-tứ nhựt, dĩ bá vị phạn thực, an Vu-Lan-Bồn trung thí thập phương Tự-tứ Tăng.

Nguyện sử hiện tại phụ-mẫu thọ-mạng bá niên, vô bịnh, vô nhứt thiết khổ não chi hoạn, nãi chí thất thế phụ-mẫu ly ngạ quỉ khổ, sanh Nhơn Thiên trung, phước lạc vô-cực.

Thị Phật đệ-tử tu hiếu thuận giả, ưng niệm niệm trung thường ức phụ mẫu nãi chí thất thế phụ-mẫu, niên niên thất nguyệt thập ngũ nhựt, thường dĩ hiếu từ, ức sở sanh phụ mẫu, vị tác Vu-Lan-Bồn thí Phật cập Tăng, dĩ báo Phụ mẫu trưởng dưỡng từ ái chi ân.

Nhược nhứt-thiết Phật đệ-tử ưng đương phụng trì thị pháp.

Thời, Mục-Liên Tỳ-kheo, tứ bối đệ-tử hoan hỉ phụng hành.



PHẬT THUYẾT

VU LAN BỒN KINH

 

BÁO PHỤ MẪU ÂN CHÚ 

NAM-MÔ MẬT LẬT ĐA ĐÁ BÀ DẠ TÁ HA.

(7 BIẾN)

 

 

VU LAN KINH TÁN

 

THẦN THÔNG TÔN GIẢ, MÃN BÁT TRÌNH THÂN,

THỰC TÀI NHẬP KHẨU HỎA VIÊM THÂN,

HIỀU KHẤP MẠC NĂNG THÂN,

THÁNH-GIÁO PHU TRẦN,

HƯỞNG TIẾN TRƯỢNG TỪ TÔN.

 

NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN TÔN GIẢ (3 XƯNG)

 

(KINH VU LAN BỒN HT. THÍCH TRÍ TỊNH DỊCH ÂM)

 


SỚ GIẢI :

 

Phần lưu thông có ba:

 

- Bày thỉnh.

- Khen thỉnh.

- Đáp thỉnh.

 

Bày thỉnh: Mục-liên lại bạch Phật rằng mẹ con, nhờ công đức Tam bảo và năng lực oai thần của chúng tăng, nếu đời vị lai tất cả đệ tử Phật thực hành pháp Vu-lan-bồn để cứu độ cha mẹ, hiện tại cho đến cha mẹ bảy đời, làm như vậy được hay không? Khi nói lời này cũng là sau khi sắm sửa đồ cúng dường, chẳng phải việc trong một lúc, đến hang Tất-bát-la, mới bắt đầu tổng tập thành kinh. Mục-liên thương mẹ ngài và người khác, như Đĩnh Khảo Thúc can ngăn Trang công…

 

Khen thỉnh: Phật dạy: lành thay khéo hỏi, ta đang muốn nói, thì ông lại hỏi, câu đầu là nêu sự khen ngợi, lành thay khéo hỏi là hợp với lòng ngài, hai câu sau giải thích lý do, vì đang muốn nói liền gặp lời hỏi. Căn cơ cảm nhau, bí mật ứng nhau, cho nên nói khéo, bản ý của Phật là muốn nói đạo hiếu rất lớn, cứu khổ việc quan trọng, pháp Vu-lan cao quý, Đức Thế Tôn thấy duyên tốt căn cơ của đại chúng đã chín muồi có thể giáo hóa.

 

Đáp thỉnh: (đáp lại sự thỉnh mời): có năm.

 

1. Chỉ dạy khởi hạnh:

 

Này người thiện nam! Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, quốc vương, Thái tử, đại thần, tể tướng tam công, các quan, muôn dân, thứ nhân thực hành từ hiếu đều trước nên vì cha mẹ đời này, cha mẹ bảy đời quá khứ, ngày rằm háng bảy ngày là Phật vui mừng, ngày chúng Tăng tự tứ, để thức ăn trăm vị vào bồn Vu-lan để cúng dường chúng tăng tự tứ trong mười phương, tuy phẩm vật sang hèn ngăn cách đạo xuất gia tại gia khác nhau nhưng tự chẳng phải loài hóa sinh, loài thấp sinh, đều có cha có mẹ, loài chim anh võ còn biết nhớ ân, huống chi đạo luân thường của con người mà không cứu khổ! lợi hại của hiếu đã nói đầy đủ, đã biết đúng sai phải y theo chánh đạo, cho nên nói rằng nên trước vì người đã sinh ra ta. Theo quy định thì dạy phải làm, không làm thì trái với quy định. Vì thế cũng nên đối với chế giáo, tức là vì phán giáo trước cũng thuộc về luật tạng. 

 

Nhưng Đức Phật không buồn vui, ngày này ngoài thị hiện vui vẻ là ứng với cơ duyên. Vì Đức Phật ra đời vốn chỉ vì khuyên người tu hành, thấy người làm ác thì buồn, thấy người tu thiện thì vui, nay các Tỳ-kheo chín tuần gia hạnh, ngày viên mãn lại càng chí thành, trong tam thiên đại thiên thế giới đều cùng như thế xưng với bản ý của Phật, tốt nhất là vui vẻ, ngày này sắm sửa cúng dường được phước rất lớn.

 

2. Chỉ dạy phát nguyện:

 

Nguyện cho cha mẹ hiện tại sống lâu trăm năm không bệnh tật, không có lo lắng tất cả khổ não, cho đến cha mẹ bảy đời lìa khổ ngạ quỷ, sinh lên cõi trời, phước lạc vô cùng, tu hành phải nhờ hạnh môn, điều đạt được phải từ tâm nguyện, nguyện là sự ưa muốn của tâm, muốn được người còn kẻ mất đều an ổn, người còn bảo đảm sinh mạng ở đời, thường không bị bệnh tật khổ não. Người mất thần thức sinh lên cõi trời, lìa hẳn đường tối tăm, hạnh nguyện giúp nhau, không có chỗ nào không được lợi ích.

 

3. Chỉ dạy thường làm:

 

Là đệ tử Phật tu hạnh hiếu thuận: Trong mỗi niệm thường (nhớ) nghĩ đến cha mẹ, cho đến cha mẹ bảy đời, mỗi năm đến ngày rằm tháng bảy, thường vì từ hiếu nghĩ đến cha mẹ đã sinh ra ta, thực hành Vu-lan bồn cúng Phật và chúng tăng, để báo đáp công ơn sinh thành nuôi dạy thương mến của cha mẹ, là đệ tử Phật tu hạnh hiếu thuận rõ ràng trái lại với người chẳng phải đệ tử Phật và bất hiếu, mặc ý không sắm đồ cúng dường Vu-lan. Mỗi niệm thường nhớ nghĩ là không trước sau. Nuôi lớn là việc, thương mến là tâm, cho nên trước khởi hạnh và phát tâm nguyện báo đáp công ơn cha mẹ. Ngoài ra văn rất dễ hiểu. Tam tạng nói: cha mẹ kết ái mỗi niệm không lìa tâm, con hiếu báo ân, hằng năm không dứt sự cúng dường.

 

4. Khuyên thọ trì:

 

Nếu tất cả các đệ tử Phật, phải vâng hành đúng pháp này. Luận Trí Độ chép: sức tin là thọ, sức niệm là trì, nay nói phụng tức là nghĩa của thọ, nên phải là cố gắng hai năng lực này.

 

5. Vui mừng mà vâng làm:

 

Lúc bấy giờ, Tỳ-kheo Mục-liên và bốn chúng đệ tử, vui mừng vâng làm. Bốn bối là Tăng, ni, cư sĩ nam, nữ, hoặc nói: người, trời, rồng, quỷ, nghi cả hai trường hợp này, nhưng hễ là sinh linh thì đều phải nương dựa, cho nên ân cha mẹ bằng với trời đất, đây tuy chí hiếu không được pháp môn ấy, nay được phương thuốc thần diệu, tin biết là linh nghiệm thì chắc chắn trừ được nguy hiểm khó khăn trong bảy đời, báo đáp công lao của cha mẹ, tự biết lòng mình có chỗ, vì thế vui mừng vâng làm theo. VU LAN KINH SỚ

Thiền sư Khuê Phong đời Đường, biết đạo hiếu phải dùng lời để chú kinh. Giải thích rộng hạnh chân hiếu của Đạo Phật, khiến người học phải báo đáp công ơn cha mẹ, không rơi vào sự hiểu biết khác, nhập vào thừa tối thượng của Phật, cho nên cao tăng nhiều đời, vào ngày tự tứ chỉ dạy người xuất gia tại gia, thiết hội Vu-lan làm bè nổi độ cha mẹ, thật là vâng theo lời sớ kinh đây, vui mừng cùng Từ Tự, Đông hiếu liêm kết thành hoằng pháp hội tập, các tể quan cư sĩ tiếp tục khắc in.

Trong đề mục ba trăm quyển, thích hợp lời sớ chưa khắc này, Lý Thái Bộc quyên tiền khắc bản. Tôi xem xét tạng nam bắc, câu văn không giống, nay y theo quyết định bản khắc của Đại sư Vân Thê, Đại sư chia khoa tiết mục ra phương pháp khác, nhưng Nam Bắc so sánh nhiều chỗ sai lầm nên không thể ghi chép, chỉ vài lời bạt giúp người xem xét chẳng những biết chỗ giống nhau và khác nhau của câu văn, mà còn nhờ ngón tay thấy được mặt trăng, được ý nghĩa báo ân đại hiếu của Phật, đó là sở nguyện.

 

Lời Bài bạt của Sa-môn Kế Khánh ở Tuyết Sơn thuộc Xích Thủy, Quý Châu.

 

 

Lược truyện về người soạn sớ.

 

 

Thiền Sư Khuê Phong Tông Mật ở núi Chung Nam, người huyện Tây Sung, thuộc Quả Châu, họ Hà, sinh vào niên hiệu Kiến Trung năm đầu đời Đường, tuổi nhỏ đã hiểu thông sách Nho, hai mươi tuổi đã nguyên cứu sách Phật. Niên hiệu Nguyên Hòa thứ hai Sư sắp đi thi thì tình cờ đến chỗ Hòa thượng Đạo Viên ở Toại Châu đang giảng pháp, vui vẻ khế hội, liền cầu khai mở, ngay năm đó thọ giới cụ túc, truyền khế tâm ấn. Lại tham học khắp những vị có tài năng, để mở rộng tri kiến, soạn sớ sao các kinh như kinh Viên Giác, kinh Hoa Nghiêm, kinh Niết-bàn, kinh Kim cương, luận Khởi Tín, luận Duy Thức, kinh Vu-lan, Pháp giới quán, hạnh nguyện… và sưu tập thiền ngôn của các tông. Soạn Thiền Nguyên Thuyên và trả lời thơ kệ nghị luận… tất cả hơn trăm quyển, lưu truyền ở đời. 

 

Trong niên hiệu Thái Hòa, đời vua Văn Tông, vua ban chiếu vào cung ban cho y tím, vua thường hỏi pháp yếu, kẻ sĩ kính mến, tìm mời về núi, đến ngày mồng sáu tháng giêng niên hiệu Hội Xương năm đầu, Sư ngồi nhập diệt tại tháp viện Hưng Phước, bốn chúng buồn rầu khóc lóc đau đớn, phụng toàn thân Khuê Phong trà-tỳ, được mấy mươi hạt xá-lợi rất to và sáng, thờ trong hang đá sáu mươi hai tuổi đời, ba mươi bốn hạ lạp, vua Tuyên Tông truy ban thụy hiệu Định Tuệ Thiền sư, tháp tên Thanh Liên, Sư có soạn bài kệ:

 

Làm việc có nghĩa là tâm tỉnh ngộ

Làm việc vô nghĩa, là tâm cuồng loạn

Cuồng loạn theo tình niệm

Khi mất bị nghiệp dẫn

Tỉnh ngộ không theo tình

Khi mất chuyển được nghiệp.

 

CHUNG



LƯỢC SỬ TÁC GIẢ

 

Thiền sư Tông Mật khi chưa xuất gia họ Hà, nguyên quán ở Quả Châu Tây Sung, gia đình giàu có, lúc nhỏ tinh thông Nho học, đến hai mươi tuổi mới nghiên cứu kinh Phật. Ðời Ðường hiệu Nguyên Hòa năm thứ hai (807 TL.) sắp được tiến cử đi làm quan, chợt gặp thiền sư Ðạo Viên, ngài phát tâm xuất gia. Nơi đây, ngài được truyền tâm ấn cũng năm ấy thọ giới Cụ Túc.

Một hôm, nhơn theo chúng thọ trai Tăng ở nhà Phủ sứ Nhâm Quán, ngài ngồi sau chót. Kế nhận được mười hai chương kinh Viên Giác, ngài xem chưa hết mà cảm ngộ rơi nước mắt. Về chùa, ngài đem sở ngộ trình lên thầy. Ðạo Viên bảo:

- Ông sẽ chẳng truyền giáo viên đốn, đây là chư Phật trao cho ông, nên du phương đừng tự ràng buộc một góc.

Ngài rơi nước mắt, vâng lệnh thầy từ tạ ra đi, đến yết kiến thiền sư Kinh Nam Trương (người Nam Ấn). Kinh bảo:

- Người truyền giáo nên giảng dạy ở đế đô.

Ngài lại đến yết kiến thiền sư Thần Chiếu. Chiếu bảo:

- Người Bồ Tát, ai có thể biết được.

Ngài tìm đến Nhượng Hán. Ở đây, nhơn vị Tăng bệnh trao cho bộ kinh Hoa Nghiêm Cú Nghĩa do đại sư Trừng Quán tuyển, ngài chưa từng học tập, một phen xem qua là giảng được, tự mừng duyên gặp gỡ của mình, ngài nói:

- Các thầy thuật tạo ít có cùng tột chỉ yếu, chưa bộ nào bằng bộ này, bộ này văn chương lưu loát, nghĩa lý rõ ràng. Ta tu Thiền thì gặp Nam tông (đốn ngộ), kinh điển thì gặp Viên Giác. Chỉ một câu nói tâm địa khai thông, trong một quyển kinh nghĩa sáng khắp trời. Nay lại gặp bộ tuyệt bút này biết sạch trong lòng.

Giảng xong, ngài nghĩ nên tìm đến Ðại sư Trừng Quán. Khi ấy, trong môn đồ có Thái Cung chặt tay để cúng dường công ơn giảng dạy. Ngài gởi thư đến Ðại sư Trừng Quán trước, đợi săn sóc Thái Cung lành mạnh, thầy trò đồng đến Thượng Ðô. Ngài đối với Ðại sư Trừng Quán giữ lễ đệ tử, Quán bảo:

- Người hay theo ta dạo Hoa Tạng Tỳ Lô là ông vậy.

Ngài ở đây đức hạnh càng ngày càng cao, những bịnh chấp tướng lần lần dứt sạch.

Ði dạo miền bắc đến núi Thanh Lương, ngài dừng lại ở chùa Thảo Ðường, huyện Hộ. Không bao lâu, ngài lại trụ trì Lan Nhã Khuê Phong ở núi Nam Chung.

Ðến niên hiệu Thái Hòa năm thứ hai (828), vua thỉnh ngài về triều ban tử y (y tía) và thư hỏi pháp yếu, bá quan trong triều đều quy kính ngài, duy tướng quốc Bùi Hưu là thân cận hơn cả. Ngài dùng Thiền và Giáo để giáo hóa môn đồ. Về Thiền, ngài có biên tập lời nói, kệ tụng của các thiền gia làm một bộ lấy tên là Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập và viết một quyển cương yếu lấy tên là Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Ðô Tự. Về Giáo, ngài có sớ giải các bộ kinh Viên Giác, Hoa Nghiêm, Niết Bàn...

Niên hiệu Hội Xương năm đầu (841 TL.) ngày mùng sáu tháng giêng, ngài ngồi kiết già thị tịch, tại tháp viện Hưng Phước, dáng mạo nghiêm trang, vui vẻ hơn ngày thường. Ðến bảy ngày mới để vào quan tài và sau này thiêu được xá lợi rất nhiều. Ngài thọ sáu mươi hai tuổi, được ba mươi bốn tuổi hạ.

Sau đây Ngài trả lời mười một câu hỏi quan trọng:

 

 

CƯƠNG YẾU THIỀN TÔNG

 

1. HỎI: Thế nào là đạo? Lấy cái gì để tu? Phải do tu mới thành hay chẳng cần dụng công?

ÐÁP: Không ngại là đạo, biết vọng là tu, đạo tuy vốn tròn, vọng khởi phiền lụy, vọng niệm hết sạch tức là tu thành công.

 

2. HỎI: Ðạo nếu nhơn tu mà thành tức là tạo tác, tạo tác thì đồng pháp hư ngụy không thật ở thế gian, thành rồi lại hoại, sao gọi là xuất thế?

ÐÁP: Tạo tác thì kết nghiệp gọi pháp thế gian hư ngụy, không tác (làm) là tu hành tức pháp xuất thế chơn thật.

 

3. HỎI: Kia tu là đốn hay tiệm? Tiệm thì quên trước mất sau, lấy cái gì tập hợp mà thành? Ðốn thì muôn hạnh nhiều môn, đâu thể một thời đầy đủ?

ÐÁP: Chợt ngộ chơn lý là viên đốn, dứt vọng cần phải tiệm tu (tu dần dần) mới hết. Viên đốn ví như trẻ con sơ sanh trong một ngày các cơ thể đầy đủ. Tiệm tu ví như nuôi dưỡng đến thành nhân, phải nhiều năm mới lập chí khí.

 

4. HỎI: Phàm tu phát tâm địa khi ngộ tâm là xong, hay riêng có hạnh môn? Nếu riêng có hạnh môn thì sao gọi là đốn chỉ Nam tông (đốn tu)? Nếu ngộ liền đồng chư Phật, sao không phóng quang hiện thần thông?

ÐÁP: Biết băng trên mặt hồ nguyên là nước, nhờ ánh nắng mặt trời dần dần tan, ngộ phàm phu tức chơn, nhờ sức pháp để tu tập. Băng tiêu thì nước trôi chảy, công phương trình tẩy rửa vọng hết thì tâm linh thông, mới có ứng hiện phát quang. Ngoài việc tu tâm không có hạnh môn riêng.

 

5. HỎI: Nếu chỉ tu tâm mà được thành Phật, cớ sao các Kinh lại nói: "Cần phải trang nghiêm Phật độ, giáo hóa chúng sanh mới gọi thành đạo".

ÐÁP: Gương sáng thì hiện muôn ngàn hình bóng sai khác, tâm tịnh thì ứng hiện muôn ngàn thần thông. Hình bóng ví trang nghiêm Phật độ, thần thông ví giáo hóa chúng sanh, trang nghiêm tức phi trang nghiêm, hình bóng là sắc mà phi sắc.

 

6. HỎI: Các Kinh đều nói độ thoát chúng sanh, chúng sanh tức phi chúng sanh, tại sao lại nhọc nhằn độ thoát?

ÐÁP: Chúng sanh nếu thật độ được tức là nhọc nhằn, đã nói "tức phi chúng sanh", sao không so sánh độ mà không độ?

 

7. HỎI: Các Kinh nói "Phật thường trụ" hoặc nói "Phật diệt độ". Thường tức không diệt, diệt tức không phải thường, như vậy là mâu thuẫn nhau.

ÐÁP: Lìa tất cả tướng gọi là chư Phật thì đâu có thật ra đời hay nhập diệt? Thấy ra đời hay nhập là tại cơ duyên. Cơ duyên ứng hợp thì xuất hiện dưới cội Bồ đề. Cơ duyên hết thì nhập Niết bàn giữa hai cây Sa La. Cũng như nước trong, không tâm không hình tượng, không hiện hình tượng không phải có ngã. Bởi vì tướng ngoại chất có đến đi, không phải thân Phật. Ðâu thể nói Như Lai có xuất nhập.

 

8. HỎI: Thế nào là Phật hóa sanh như chúng sanh kia sanh? Phật đã vô sanh thì là nghĩa gì? Nếu nói tâm sanh pháp sanh, tâm diệt pháp diệt, thì do đâu được Vô sanh pháp nhẫn?

ÐÁP: Ðã nói như hóa, hóa tức là không, không tức là không sanh, sao lại hỏi nghĩa sanh? Sanh diệt diệt rồi thì tịch diệt là chơn, nhận được pháp vô sanh này gọi là Vô sanh pháp nhẫn.

 

9. HỎI: Chư Phật thành đạo thuyết pháp chỉ vì độ chúng sanh giải thoát, chúng sanh thì có lục đạo, tại sao Phật chỉ hóa hiện ở trong nhơn đạo? Lại Phật sắp diệt độ, trao pháp cho Tổ Ca Diếp dùng tâm truyền tâm cho đến phương này (Trung Hoa), bảy vị Tổ mỗi đời chỉ truyền một người, đã nói rằng đối tất cả chúng sanh coi như con một, tại sao truyền dạy không khắp?

ÐÁP: Mặt trời, mặt trăng lên cao đều soi sáng khắp sáu phương mà người mù không thấy, chậu úp không biết, không phải mặt trời, mặt trăng soi chẳng khắp, tại lỗi che đậy ngăn cách. Ðộ cùng không độ nghĩa giống như vậy, không phải hạn cuộc nơi người trời bỏ các loài quỷ súc. Chỉ vì nhơn đạo hay kiết tập truyền trao không dứt, nên biết Phật hiện trong nhơn đạo. Sắp diệt độ Phật trao pháp cho Tổ Ca Diếp, lần luợt truyền nhau một người, chính vì nhằm vào vị chủ Thiền tông trong một đời. Như trong nước không có hai vua, không phải người được độ chỉ có số dường ấy.

 

10. HỎI: Hoà Thượng nhơn đâu phải phát tâm? Mộ pháp gì mà xuất gia? Nay tu hành pháp gì? Ðược pháp vị gì? Chỗ tu hành đến địa vị nào? Là trụ tâm tu tâm? Nếu trụ tâm thì ngại tu tâm, nếu tu tâm thì động niệm không an làm sao được gọi là học đạo? Nếu tâm an nhất định thì đâu khác gì môn đồ của định tánh (định tánh Thanh văn)? Cúi mong Ðại Ðức vận dụng đại từ bi theo thứ lớp nói đúng lý như như.

ÐÁP: Biết tứ đại như mộng huyễn, hiểu lục trần như không hoa, ngộ tâm mình là tâm Phật, thấy bản tánh tức pháp tánh là nguyên nhơn phát tâm. Biết tâm không trụ tức là tu hành; không trụ mà "biết" tức là pháp vị. Trụ trước nơi pháp đây là động niệm, như người vào tối thì không thấy vật; nay không có chỗ trụ, không nhiễm không trước, như người có mắt và có ánh sáng mặt trời thấy rõ các vật. Thế thì đâu thể đồng môn đồ của định tánh, đã không có chỗ trụ trước thì đâu luận xứ sở?

 

11. HỎI: Người ngộ lý dứt vọng thì không kết nghiệp, sau khi mạng chung linh tánh sẽ nương vào đâu?

ÐÁP: Tất cả chúng sanh đều có tánh giác linh minh không tịch, không khác với Phật, chỉ do từ vô thủy kiếp đến nay chưa từng liễu ngộ, vọng chấp thân là tướng của ta, cho nên sanh tình yêu ghét. Theo tình tạo nghiệp, theo nghiệp thọ báo sanh, già, bệnh, chết luân hồi nhiều kiếp. Nhưng, giác tánh trong thân chưa từng sanh tử. Như mộng thấy bị xua đuổi mà thân vẫn nằm yên trên giường. Vốn tự vô sanh thì đâu có chỗ nương gá, tinh lanh không mờ mịt, rõ ràng thường biết, không từ đâu đến cũng không đi đâu. Song, vọng chấp nhiều đời huân tập thành tánh mừng, giận, vui, buồn, trôi chảy nhỏ nhiệm, tuy đã đốn ngộ chơn lý mà tình này không thể dứt liền, cần phải hằng xét nét dần dần tổn giảm. Như gió dừng thì sóng dần dần lặng. Ðâu thể tu hành một đời mà đồng lực dụng của chư Phật, chỉ nên lấy không tịch làm thể của mình, chớ nhận sắc thân này, lấy linh tri là thân của mình, đừng nhận vọng niệm, vọng niệm nếu khởi không nên theo nó, tức là khi sắp mạng chung tự nhiên nghiệp không thể ràng buộc. Tuy có thân trung ấm mà đi đâu tự do, tùy ý đến cõi người, cõi trời thọ sanh. Nếu niệm yêu ghét đã hết sức không thọ nhận thân phần đoạn (thân còn ăn uống thô) tự hay đổi dở thành hay, đổi thô thành diệu. Nếu phần trôi chảy nhỏ nhiệm lắng sạch tất cả, chỉ riêng còn Viên giác Ðại trí sáng suốt, tùy cơ ứng hiện trăm ngàn ức thân độ chúng sanh hữu duyên, gọi đó là Phật.

Ngài có làm tám câu kệ hiển bày ý nghĩa này:

            Tác hữu nghĩa sự,

            Thị tỉnh ngộ tâm.

            Tác vô nghĩa sự,

            Thị cuồng loạn tâm.

            Cuồng loạn tùy tình niệm,

            Lâm chung bị nghiệp khiên.

            Tỉnh ngộ bất do tình.

            Lâm chung năng chuyển nghiệp.

Dịch:

            Làm việc có nghĩa, Là tâm tỉnh ngộ.

            Làm việc vô nghĩa,

            Là tâm cuồng loạn.

            Cuồng loạn theo tình niệm,

            Lâm chung bị nghiệp lôi.

            Tỉnh ngộ không theo tình,

            Lâm chung hay chuyển nghiệp.


NGUỒN THIỀN GIẢNG GIẢI

Tác giả: Thiền sư Tông Mật (Khuê Phong)

Giảng giải: Thiền sư Thích Thanh Từ



PHẬT THUYẾT

KINH VU LAN BỒN 

 

 

1. TA TỪNG NGHE LỜI TẠC NHƯ VẦY :

 

Một thuở nọ Thế-tôn an-trụ

Xá-vệ thành Kỳ-thụ viên trung,

Mục-liên mới đặng lục-thông,

Muốn cho cha mẹ khỏi vòng trầm-luân.

 

Công dưỡng-dục thâm-ân dốc trả,

Nghĩa sanh thành đạo cả mong đền,

Làm con hiếu-hạnh vi tiên,

Bèn dùng ĐẠO NHÃN dưới trên kiếm tầm.

 

Thấy vong-mẫu sanh làm ngạ-quỷ,

Không uống ăn tiều-tụy hình-hài.


Mục-liên thấy vậy bi-ai,

Biết mẹ đói khát ai-hoài tình thâm.

 

Lo phẩm-vật đem dâng từ-mẫu,

Ðặng đỡ lòng cực khổ bấy lâu.

Thấy cơm mẹ rất lo âu,

Tay tả che đậy, hữu hầu bốc ăn.

Lòng bỏn-xẻn tiền-căn chưa dứt,

Sợ chúng ma cướp dựt của bà.

Cơm đưa chưa tới miệng đà,

Hóa thành than lửa nuốt mà đặng đâu.


 

2. Thấy như vậy âu-sầu thê-thảm,

Mục-kiền-liên bi-cảm xót thương,

Mau mau về đến giảng-đường,

Bạch cùng sư-phụ tìm phương giải nàn.


Phật mới bảo rõ ràng căn-cội,

Rằng mẹ ông gốc tội rất sâu.

Dầu ông thần-lực nhiệm-mầu,

Một mình không thể ai cầu được đâu.

Lòng hiếu-thảo của ông dầu lớn,

Tiếng vang đồn thấu đến cửu-thiên

Cùng là các bực Thần-kỳ

Tà, ma, ngoại-đạo, bốn vì Thiên-vương

 

Cộng ba cõi sáu phương TỤ TẬP,

Cũng không phương cứu-tế mẹ ngươi.

Muốn cho cứu đặng mạng người,

Phải nhờ thần-lực của mười phương Tăng.

 

Pháp cứu-tế ta toan giải nói

Cho mọi người thoát khỏi ách-nàn

Bèn kêu Mục-thị đến gần,

Truyền cho diệu-pháp ân-cần thiết thi

Rằm tháng bảy là ngày Tự-tứ

Mười phương Tăng đều dự lễ này

Phải toan sắm sửa chớ chầy

Thức ăn TRĂM VỊ trái cây NĂM MÀU

 

Lại phải sắm giường nằm nệm lót

Cùng thau, bồn, đèn đuốc, nhang, dầu,

Món ăn tinh-sạch báu mầu

Ðựng trong bình-bát vọng-cầu kính dâng

 

Chư Ðại-đức mười phương thọ-thực

Trong bảy đời sẽ đặng siêu thăng

Lại thêm cha mẹ hiện-tiền

Ðặng nhờ phước-lực tiêu-khiên ách-nàn.


Vì ngày ấy Thánh-tăng đều đủ

Dầu ở đâu cũng TỤ HỘI về.

Như người Thiền-định sơn-khê

Tránh điều phiền-não chăm về thiền-na

Hoặc người đặng bốn tòa đạo quả

Công tu-hành nguyện thỏa vô-sanh

Hoặc người thọ hạ kinh-hành

Chẳng ham quyền-quý ẩn-danh lâm-tòng

 

Hoặc người đặng lục-thông tấn-phát

Và những hàng Duyên-giác, Thanh-văn

Hoặc chư Bồ-tát mười phương

Hiện hình làm sãi ở gần chúng-sanh

 

Ðều trì giới rất thanh, rất tịnh

Ðạo-đức dày, chánh-định chơn-tâm

Tất cả các bực Thánh, Phàm

Ðồng lòng thọ-lãnh bát cơm lục-hòa


Người nào có sắm ra vật-thực

Ðặng cúng-dường Tự-tứ Tăng thời

Hiện-tiền phụ-mẫu của người

Bà con quyến-thuộc thảy đều nhờ ơn

Tam-đồ khổ chắc rằng ra khỏi

Cảnh thanh-nhàn hưởng-thọ tự-nhiên.

Như còn cha mẹ hiện-tiền

Nhờ đó cũng đặng bá niên thọ-trường

 

Như cha mẹ bảy đời quá-vãng

Sẽ hóa-sanh về cõi thiên-cung

Người thời tuấn-tú hình-dung

Hào-quang chiếu sáng khắp cùng châu-thân


Phật dạy bảo mười phương Tăng-chúng

Phải tuân theo thể-thức sau này:

Trước khi thọ thực đàn chay

Phải cầu chú-nguyện cho người tín-gia.

Cầu thất-thế mẹ cha thí-chủ

Ðịnh tâm-thần quán đủ đừng quên

Cho xong ý-định hành-thiền

Mới dùng phẩm-vật đàn-tiền hiến-dưng.

 

Khi thọ-dụng nên an vật-thực

Trước PHẬT TIỀN hoặc tự THÁP TRUNG:

Chư Tăng chú nguyện viên dung

Sau rồi tự-tiện thọ dùng bữa trưa

Pháp cứu-tế Phật vừa nói dứt

Mục-liên cùng Bồ-tát chư Tăng

Ðồng nhau tỏ dạ vui mừng

Mục-liên cũng hết khóc thương rầu buồn

Mục-liên mẫu cũng trong ngày ấy

Kiếp khổ về ngạ-quỷ được tan.


 

3. Mục-liên bạch với Phật rằng:

"Mẹ con nhờ sức Thánh-Tăng khỏi nàn

 

Lại cũng nhờ oai thần Tam-bảo

Bằng chẳng thì nạn khổ khó ra

Như sau đệ-tử xuất-gia

Vu-lan-bồn pháp dùng mà độ sanh

 

Ðộ cha mẹ còn đương tại thế

Hoặc bảy đời có thể đặng không ?"


Phật rằng: "Lời hỏi rất thông

Ta vừa muốn nói con dùng hỏi theo

 

Thiện-nam-tử, tỳ-kheo nam nữ

Cùng quốc-vương, thái-tử, đại-thần

Tam-công, tể-tướng, bá-quan

Cùng hàng lê-thứ vạn dân cõi trần

Như chí muốn đền ơn cha mẹ

Hiện-tại cùng thất-thế tình thâm

Ðến rằm tháng bảy mỗi năm

Sau khi kiết-hạ chư Tăng tựu về

 

Chính ngày ấy Phật-đà hoan-hỉ

Phải sắm sanh BÁ VỊ cơm canh

Ðựng trong bình-bát tinh-anh

Chờ giờ Tự-tứ chúng Tăng cúng-dường

 

Ðặng cầu-nguyện song-đường trường-thọ

Chẳng ốm đau, cũng chẳng khổ chi

Cùng cầu thất-thế đồng thì

Lìa nơi ngạ-quỷ sanh về nhơn, thiên

 

Ðặng hưởng phước nhân duyên vui đẹp

Lại xa lìa nạn khổ cực thân


Môn-sanh Phật-tử ân-cần

Hạnh tu hiếu-thuận phải cần phải chuyên

 

Thường cầu-nguyện thung-huyên an-hảo

Cùng bảy đời phụ-mẫu siêu-sanh

Ngày rằm tháng bảy mỗi năm

Vì lòng hiếu-thảo thâm-ân phải đền

Lễ cứu-tế chí-thành sắp đặt

Ngỏ cúng-dường chư Phật chư Tăng

Ấy là báo đáp thù ân

Sanh-thành dưỡng-dục song-thân buổi đầu

 

Ðệ-tử Phật lo âu gìn-giữ

Mới phải là Thích-tử Thiền-môn

Vừa nghe dứt pháp Lan-bồn

Môn-sanh tứ-chúng thảy đồng hỉ-hoan


Mục-liên với bốn ban Phật-tử

Nguyện một lòng tín-sự phụng-hành !

 


 

PHẬT THUYẾT

KINH VU LAN BỒN 



KINH VĂN:

 

Vì ngày ấy Thánh-tăng đều đủ

Dầu ở đâu cũng tụ-hội về

Như người Thiền-định Sơn-khê

Tránh điều phiền-não chăm về thiền-na

Hoặc người đặng bốn tòa đạo quả

Công tu-hành nguyện thỏa vô-sanh

Hoặc người thọ hạ kinh-hành

Chẳng ham quyền-quý ẩn-danh lâm-tòng

Hoặc người đặng lục-thông tấn-phát

Và những hàng Duyên-giác, Thanh-văn

Hoặc chư Bồ-tát mười phương

Hiện hình làm sãi ở gần chúng-sanh

Đều trì giới rất thanh, rất tịnh

Đạo-đức dày, chánh-định chơn-tâm

 

Tất cả các bực Thánh, Phàm

Đồng lòng thọ-lãnh bát cơm lục-hòa

 

KINH VĂN:

 

THỜI, PHẬT SẮC THẬP PHƯƠNG CHÚNG TĂNG GIAI TIÊN VỊ THÍ CHỦ MÔNG CHÚ NGUYỆN, NGUYỆN THẤT THẾ PHỤ MẪU, HÀNH THIỀN ĐỊNH Ý NHIÊN HẬU THỌ THỰC.

 

SỞ THỌ THỰC THỜI, TIÊN AN TẠI PHẬT TIỀN, THÁP TỰ TRUNG PHẬT TIỀN, CHÚNG TĂNG CHÚ NGUYỆN CÁNH, TIỆN TỰ THỌ THỰC.

 

 

 

BẤY GIỜ, ĐỨC PHẬT TRUYỀN CHÚNG TĂNG Ở 10 PHƯƠNG, TRƯỚC PHẢI VÌ NGƯỜI THÍ CHỦ MONG NHỜ CHÚ NGUYỆN, CẦU CHO CHA MẸ 7 ĐỜI, MÀ “CHUYÊN Ý THIỀN ĐỊNH” RỒI SAU MỚI THỌ THỰC.

 

“CHUYÊN Ý THIỀN ĐỊNH” là chú ý lặng lòng để tưởng-niện, khiến cho sự cầu nguyện được mau thành tựu.

 

LÚC BAN ĐẦU THỌ THỰC, TRƯỚC HẾT ĐỂ MÓN ĂN NƠI “TRƯỚC ĐỨC PHẬT”, HAY ĐỂ “TRƯỚC TƯỢNG PHẬT TRONG CHÙA THÁP”, CHÚNG TĂNG ĐỒNG CHÚ NGUYỆN XONG, RỒI TỰ THỌ THỰC.

 

“TRƯỚC ĐỨC PHẬT” khi PHẬT còn “TẠI THẾ".

“TRƯỚC TƯỢNG PHẬT TRONG CHÙA THÁP” khi PHẬT nhập “NIẾT BÀN”.

 

 “MÓN ĂN TRĂM VỊ” là dùng 5 mùi vị căn bản “NGỌT, MẶN, CHUA, CAY, ĐẮNG” pha chế làm thành “THỨC ĂN” TRĂN VỊ, NGÀN VỊ TÙY Ý...

 

)

 

Vu Lan

 

Hỏi: Lễ Vu Lan xuất xứ từ kinh nào?

Ðáp: Lễ Vu Lan xuất xứ từ kinh Phật thuyết Vu Lan Bồn. Theo kinh này Phật có dạy ngài Mục Kiền Liên rằng: "Là đệ tử của Phật tu hành đạo hiếu thảo, các con phải thường nhớ nghĩ cúng dường cha mẹ mình. Hàng năm nhằm ngày rằm tháng bảy các con phải sinh lòng hiếu thảo đối với cha mẹ đời này cũng như cha mẹ trong bảy đời quá khứ mà cử hành pháp hội Vu-Lan, cúng dường chư Phật và chư Tăng để báo đáp ân đức mà cha mẹ đã nuôi dưỡng mình." Ngài Mục Kiền Liên vâng theo lời Phật, thiết trai cúng dường mười phương tăng chúng, hồi hướng công đức về cho mẹ mình ở dưới địa ngục, khiến bà được thoát thân ngạ quỷ, vãng sinh tịnh độ.

 

Hỏi: Ý nghĩa của chữ Vu Lan Bồn là gì?

Ðáp: Vu Lan Bồn là dịch âm từ chữ Phạn Ullambana. Ý dịch là cứu đảo huyền. Theo ngài Tông Mật, Vu Lan nghĩa là đảo huyền, ám chỉ cực hình bị treo (huyền) ngược (đảo) của chúng sinh trong địa ngục. Bồn tức là cái chậu, cái thau, tượng trưng cho vật cứu hộ những chúng sinh ấy. Do đó cách dịch thông thường của lễ Vu Lan là lễ "Cứu đảo huyền, giải thống khổ" (Vu Lan Bồn Kinh Sớquyển hạ).

 

Hỏi: Làm sao cứu độ chúng sinh, cửu huyền thất tổ, trong hạ giới?

Ðáp: Kinh kể lại rằng ngài Mục Kiền Liên dùng sức mạnh thần thông của cá nhân mình để thử cứu mẹ mình ở địa ngục mà thất bại. Do đó, muốn cứu độ chúng sinh trong cõi địa ngục, ngạ quỷ, mình cần phải nhờ tới đạo lực của tập thể chư Tăng, những vị chân thật tu hành. Xưa kia, vào rằm tháng tư, đức Phật và chư Tăng kiết hạ, (nghĩa là an trụ một chỗ để tu hành, không ra ngoài khất thực để tránh phải dẫm lên côn trùng sâu bọ sinh sản đầy đẫy vào mùa mưa). Rằm tháng bảy, là ngày cuối cùng của mùa hạ, Phật và chư Tăng tề tựu để tụng giới, thuyết pháp. Bấy giờ chư Tăng sẽ dùng đạo lực thanh tịnh của mình để hồi hướng về chúng sinh đang chiụ thống khổ trong cõi dưới.

 

Hỏi: Trong lễ Vu Lan phải cúng dường ra sao ?

Ðáp: Theo như Phật dạy, những ai muốn báo hiếu cho cha mẹ bảy đời thì phải đem thượng vị ẩm thực an trí nơi một cái chậu (hay đồ đựng) để cúng dường chư Tăng trong mười phương. Sở dĩ dùng chậu hay đồ đựng có dung tích lớn là muốn ám chỉ rằng tất cả đồ cúng dường là dành cho tập thể Tăng đoàn chớ không dành riêng cho vị Tăng đặc biệt nào. Tất cả đồ vật cúng dường ấy sẽ được phân phối đồng đều cho tất cả Tăng Ni.

 

Hỏi: Lễ Vu Lan mỗi quốc gia, mỗi địa phương đều tổ chức khác nhau, như vậy tổ chức thế nào thì tương đối phù hợp với tinh thần chánh pháp Phật dạy?

Ðáp: Vua Võ Ðế vào năm Ðại Ðồng thứ tư (538 AD) đã từng tới chùa Ðồng Thái để làm lễ trai tăng, cúng dường. Sau rồi mỗi năm, trở thành thông lệ, các vua hoàng đế đều rất coi trọng lễ Vu Lan. Ðời Ðường, vua Ðại Tông còn tổ chức cực kỳ long trọng, bằng cách cho thỉnh Tăng Ni , thiết bồn cúng dường ở trong hoàng cung. Về sau truyền thống phổ cập khắp nhân gian, nhiều màu mè sắc thái thế tục (như đốt vàng bạc, tiền giấy, cúng kiếng..), cũng như những phong tục nhân gian (đàn ca múa hát) được thêm vào, hoàn toàn không phải chân lý Phật dạy. Sau này vào đời nhà Thanh, có nhiều Tăng chủ trương làm lễ cung phụng Vu Lan Bồn, cúng dường Tam bảo vào ban ngày, còn ban tối thì cúng cô hồn, siêu độ quỷ đói.

Ðối với người tại gia, tinh thần căn bản nhất mà lễ Vu Lan nhằm biểu hiện, nằm ở trong ba phương diện:

1. Trên phương diện căn bản làm người, thì lễ Vu Lan là cơ hội làm ta phản tỉnh: khiến mình biết hiếu thảo với cha mẹ còn sống và biết bổn phận phải giải cứu cha mẹ bảy đời xưa kia cũng như giải cứu tất cả ngạ quỷ, địa ngục chúng sinh.

2. Trên phương diện tu phước tu huệ, thì lễ Vu Lan là cơ hội để ta tu tâm chân thành: mình phải biết cung kính cúng dường chư Tăng, phụng sự Tam Bảo.

3. Trên phương diện giải thoát, thì lễ Vu Lan là cơ hội để ta tu tâm đại bi: mình phải thấy sự thống khổ của mọi chúng sinh như là của chính mình.

Bởi vì nội dung siêu độ vong linh là một công việc rất trang trọng, nghiêm túc. Do đó mọi sắc thái tiêu khiển, hướng ngoại đều không đem đến lợi ích chân thật và chắc hẳn sẽ không đem lại công đức, nếu không muốn nói là sẽ gieo trồng nhân khổ cho mai sau.

 

Bồ Ðề Hải

 

 

Danh Từ Phật Học  - Vu-Lan Bồn

Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng thuật

 

Vu Lan là tiếng phạn (Ullambana), và có nghĩa là giải đảo huyền (), tức là giải cứu nạn treo ngược. Loài người chúng ta nếu bị treo ngược thì rất khổ sở, nên nay chúng ta cần giải cứu những kẻ đang bị lâm vào tình cảnh ấy. Chúng ta cần phải giải cứu ai? Giải cứu cha mẹ, tổ tiên của chúng ta từ những đời quá khứ, giúp họ thoát khỏi nạn treo ngược này!

 

Chúng ta đều không rõ cha mẹ, tổ tiên đời trước của mình đã có công hay có tội. Nếu có công, tất họ có thể được vãng sanh về Cực-lạc Thế-giới, được sanh lên cõi trời, hoặc là đầu thai trở lại chốn nhân gian mà làm Tổng-thống, làm Hoàng-đế. Thế nhưng, nếu họ có tội thì sao? Thì hoặc là họ bị đọa địa ngục, bị chuyển làm thân ngạ quỷ (quỷ đói), hay bị biến thành súc sanh!

 

Rằm tháng bảy âm lịch là ngày kỷ niệm ngài Ma-Ha Mục-Kiền-Liên siêu độ mẫu thân. Sinh thời, thân mẫu Ngài vốn không kính tin Tam-Bảo. Bà đã giết hại vô số cá, rùa, tôm, cua; và lại còn có thói keo kiệt không chịu bố thí. Chính vì những tội lỗi này mà bà đã bị đọa vào địa ngục của loài ngạ quỷ, Tôn giả Mục-Kiền-Liên vội mang một bát cơm đến dâng cho mẹ. Bà liền khum tay trái để che lấy bát, tay phải thì vội vàng bốc cơm cho vào miệng; nhưng cơm vừa vô tới miệng thì lập tức biến thành những hòn than rực lửa, không thể nào nuốt được.

 

Tôn giả Mục-Kiền-Liên bèn cầu xin Đức Phật cứu giúp. Đức Phật dạy Ngài nên thiết cơm chay cúng dường mười phương Tự-tứ tăng (Tự tứ là ngày cuối cùng của mùa Kiết-hạ An-cư, nghi thức đối trước đại chúng mà sám hối của Tăng- đoàn). Vì các vị ấy đức hạnh cao cả, có sức oai thần có thể khiến cho cha mẹ đời hiện tại và cha mẹ cùng thân thích quyến thuộc cả bảy đời trước của thí chủ đều được thoát khỏi ba đường ác.

 

Nếu quý vị tự cảm thấy mình tánh tình quá nóng nảy, “lửa vô-minh” quá mãnh liệt, thì phải biết rằng đó là do cha mẹ, tổ tiên đời quá khứ của quý vị chưa được thoát khỏi khổ não và chưa đạt được vui nên suốt ngày họ cứ giúp quý vị nổi nóng, xúi giục quý vị tạo tội lỗi, để quý vị sớm đến đoàn tụ với họ hơn. Vậy, nếu quý vị cảm thấy như thế, thì phải nhân ngày này mà tạo công đức để siêu độ họ, và khiến cho những kẻ đang ở trong cảnh khốn khó cũng được xa lìa ưu phiền khổ não, và tiêu trừ tội chướng.

 

Nếu chúng ta có thể cúng dường Tam-Bảo trong ngày này, thì công đức tạo được ấy sẽ thù thắng, lớn lao hơn trong ngày thường đến gấp trăm vạn lần. Trước kia, tại phương Tây rất hiếm khi có được đạo tràng tổ chức Pháp-hội Vu-lan này. Mỗi chúng ta đều nên vì cha mẹ, tổ tiên đời quá khứ của mình mà làm một người con cháu hiếu thuân!

 

 

PHẬT THUYẾT

VU LAN BỒN KINH

 

Tây-Tấn, Tam-Tạng Pháp-Sư Trúc-Pháp-Hộ dịch

 

Văn như thị: nhứt thời Phật tại Xá-Vệ quốc, Kỳ-thọ Cấp-Cô-Ðộc viên.

Ðại Mục-Kiền-Liên, thỉ đắc lục thông, dục độ phụ-mẫu, báo nhũ bộ chi ân.

Tức dĩ đạo-nhãn quán thị thế-gian, kiến kỳ vong-mẫu sanh ngạ-quỉ trung, bất kiến ẩm thực, bì cốt liên lập.

Mục-Liên bi ai, tức dĩ bát thạnh phạn, vãng hướng kỳ-mẫu.

Mẫu đắc bát phạn, tiện dĩ tả thủ chướng bát, hữu thủ suy tự.

Tự vị nhập khẩu, hóa thành hỏa thán, toại bất đắc thực.

Mục-Liên đại khiếu, bi hiều thế khấp, trì huờn bạch Phật, cụ trần như thử.

 

Phật ngôn : “Nhữ mẫu tội-căn thâm kiết, phi nhữ nhứt nhơn lực sở nại hà !

Nhữ tuy hiếu-thuận, thinh động thiên-địa, Thiên-thần, Địa-kỳ, tà-ma, ngoại-đạo, đạo-sĩ, tứ Thiên-Vương Thần, diệc bất năng nại hà !

Ðương tu thập-phương chúng Tăng oai-thần chi lực, nãi đắc giải-thoát.

Ngô kim đương thuyết cứu-tế chi pháp, linh nhứt-thiết nạn, giai ly ưu khổ.

Phật cáo Mục-Liên : “Thập-phương chúng Tăng, thất nguyệt thập ngũ nhựt, Tăng Tự-tứ thời, đương vị thất thế phụ mẫu, cập hiện-tại phụ mẫu ách nạn trung giả, cụ phạn bá vị, ngũ quả, cấp quán bồn khí, hương du, đính chúc, sàng phu ngọa cụ, tận thế cam mỹ, dĩ trước bồn trung, cúng-dường thập-phương đại đức chúng Tăng.

Ðương thử chi nhựt, nhứt thiết Thánh-chúng, hoặc tại sơn gian thiền-định, hoặc đắc tứ đạo quả, hoặc tại thọ hạ kinh-hành, hoặc lục-thông tự-tại giáo-hóa Thanh-văn, Duyên-giác, hoặc thập-địa Bồ-tát đại-nhơn, quyền hiện Tỳ-kheo tại đại-chúng trung, giai đồng nhứt tâm thọ bát-hòa-la phạn, cụ thanh-tịnh giới Thánh-chúng chi đạo, kỳ đức uông dương.

Kỳ hữu cúng-dường thử đẳng Tự-tứ Tăng giả, hiện thế phụ-mẫu, lục-thân quyến-thuộc, đắc xuất tam-đồ chi khổ, ứng thời giải-thoát, y thực tự-nhiên.

Nhược phụ-mẫu hiện tại giả phước lạc bá niên.

Nhược thất thế phụ-mẫu sanh Thiên, tự tại hóa sanh nhập Thiên-hoa quang”.

 

Thời, Phật sắc thập phương chúng Tăng, giai tiên vị thí chủ mông chú nguyện, nguyện thất thế phụ-mẫu, hành thiền-định ý nhiên-hậu thọ thực.

Sở thọ thực thời, tiên an tại Phật tiền, tháp tự trung Phật tiền, chúng Tăng chú nguyện cánh, tiện tự thọ thực.

Thời, Mục-Liên Tỳ-kheo cập đại Bồ-tát chúng, giai đại hoan-hỉ: Mục-Liên bi đề khấp thinh thích nhiên trừ diệt.

Thời, Mục-Liên mẫu tức ư thị nhựt, đắc thoát nhứt kiếp ngạ-quỉ chi khổ.

 

Mục-Liên phục bạch Phật ngôn : “Ðệ-tử sở sanh mẫu đắc mông Tam-Bảo công-đức chi lực, chúng Tăng oai-thần chi lực cố.

Nhược vị-lai thế, nhứt thiết Phật đệ-tử, diệc ưng phụng Vu-Lan-Bồn, cứu độ hiện-tại phụ mẫu nãi chí thất thế phụ mẫu, khả vi nhĩ phủ ?”.

 

Phật ngôn : Ðại thiện khoái vấn ! Ngã chánh dục thuyết nhữ kim phục vấn.

Thiện-nam tử ! Nhược Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Quốc-vương, Thái-tử, Đại-thần, Tể-tướng, Tam-công, bá quan, vạn dân, thứ nhơn hành từ-hiếu giả, giai ưng tiên vị sở sanh hiện-tại phụ mẫu, qúa-khứ thất thế phụ mẫu, ư thất nguyệt thập ngũ nhựt, Phật hoan-hỉ nhựt, Tăng Tự-tứ nhựt, dĩ bá vị phạn thực, an Vu-Lan-Bồn trung thí thập phương Tự-tứ Tăng.

Nguyện sử hiện tại phụ-mẫu thọ-mạng bá niên, vô bịnh, vô nhứt thiết khổ não chi hoạn, nãi chí thất thế phụ-mẫu ly ngạ quỉ khổ, sanh Nhơn Thiên trung, phước lạc vô-cực.

Thị Phật đệ-tử tu hiếu thuận giả, ưng niệm niệm trung thường ức phụ mẫu nãi chí thất thế phụ-mẫu, niên niên thất nguyệt thập ngũ nhựt, thường dĩ hiếu từ, ức sở sanh phụ mẫu, vị tác Vu-Lan-Bồn thí Phật cập Tăng, dĩ báo Phụ mẫu trưởng dưỡng từ ái chi ân.

Nhược nhứt-thiết Phật đệ-tử ưng đương phụng trì thị pháp.

Thời, Mục-Liên Tỳ-kheo, tứ bối đệ-tử hoan hỉ phụng hành.

 

 

PHẬT THUYẾT

VU LAN BỒN KINH

 

BÁO PHỤ MẪU ÂN CHÚ 

NAM-MÔ MẬT LẬT ĐA ĐÁ BÀ DẠ TÁ HA. 

(7 BIẾN)

 

VU LAN KINH TÁN

 

THẦN THÔNG TÔN GIẢ, MÃN BÁT TRÌNH THÂN,

THỰC TÀI NHẬP KHẨU HỎA VIÊM THÂN,

HIỀU KHẤP MẠC NĂNG THÂN,

THÁNH-GIÁO PHU TRẦN,

HƯỞNG TIẾN TRƯỢNG TỪ-TÔN.

 

NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN TÔN GIẢ

(3 XƯNG)

 

  (KINH VU LAN BỒN HT. THÍCH TRÍ TỊNH DỊCH ÂM )

 


NGHI THỨC

CÚNG NGỌ

 

(11am-1pm) 

 

NIỆM HƯƠNG LỄ BÁI

 

(Thắp đèn đốt hương trầm xong, đứng ngay ngắn chắp tay để ngang ngực mật niệm)

 

TỊNH PHÁP-GIỚI CHƠN-NGÔN:

Án lam xóa ha. (3 lần)

 

TỊNH TAM-NGHIỆP CHƠN-NGÔN:

 

Án ta phạ bà phạ, truật đà ta phạ, đạt mạ ta phạ, bà phạ truật độ hám. (3 lần)

 

(Chủ lễ thắp ba cây hương quỳ ngay thẳng cầm hương ngang trán niệm bài cúng hương).



BÀI KỆ CÚNG HƯƠNG

 

Nguyện thử diệu hương vân,

Biến mãn thập phương giới,

Cúng dường nhứt-thế Phật,

Tôn pháp chư Bồ tát,

Vô biên Thanh-Văn chúng,

Cập nhứt thế Thánh-Hiền,

Duyên khởi quang minh đài,

Xứng tánh tác Phật-sự,

Phổ huân chư chúng-sanh,

Giai phát Bồ-đề tâm,

Viễn-ly chư vọng-nghiệp,

Viên-thành vô-thượng đạo.

 

KỲ NGUYỆN



Kim đệ-tử... Phát nguyện phụng Phật, thỉnh Tăng chú nguyện, mong chư Phật oai lực phò trì, hiện kim chư Phật-tử đẳng thân tâm thanh-tịnh, tinh-tấn tu-hành, tự-giác, giác-tha, giác-hạnh viên-mãn, dữ pháp-giới chúng-sanh, nhứt thời đồng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

 

(Xá 3 xá rồi đọc bài tán Phật).

 

TÁN DƯƠNG PHẬT BẢO

 

Pháp vương vô-thượng tôn

Tam-giới vô luân thất

Thiên nhơn chi Ðạo-sư

Tứ-sanh chi từ-phụ

Ư nhứt niệm quy-y

Năng diệt tam-kỳ nghiệp

Xưng dương nhược tán-thán

Ức kiếp mạc năng tận.

 

QUÁN TƯỞNG

 

Năng lễ, sở lễ tánh không tịch,

Cảm ứng đạo-giao nan tư nghì,

Ngã thử đạo tràng như Ðế-châu,

Thập phương chư Phật ảnh hiện trung,

Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền,

Ðầu diện tiếp túc quy mạng lễ.

 

- Chí tâm đảnh lễ: Nam-mô Tận hư-không, biến pháp-giới, quá, hiện, vị-lai thập-phương chư Phật, Tôn-Pháp, Hiền-Thánh Tăng, Thường-trú Tam-Bảo. (1 lạy)

- Chí tâm đảnh lễ: Nam-mô Ta-bà Giáo-chủ Bổn-sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật, Ðương-lai hạ sanh Di-Lặc Tôn Phật, Ðại-trí Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-tát, Ðại-hạnh Phổ-Hiền Bồ-tát, Hộ-Pháp Chư-tôn Bồ-tát, Linh-sơn hội thượng Phật Bồ-tát. (1 lạy)

- Chí tâm đảnh lễ: Nam-mô Tây-phương Cực-lạc thế-giới Ðại-từ Ðại-bi A-Di-Ðà Phật, Ðại bi Quán-Thế-Âm Bồ-tát, Ðại-Thế-Chí Bồ-tát, Ðại-nguyện Ðịa-Tạng-Vương Bồ-tát, Thanh-tịnh Ðại-hải-chúng Bồ-tát. (1 lạy)

 

(Ðứng ngay, vô chuông mõ và tụng kinh)


TÁN HƯƠNG

 

Hương tài nhiệt,

Lư phần bảo đảnh trung

Chiên-đàn trầm nhũ chơn kham cúng,

Hương yên liêu nhiễu Liên-Hoa động,

Chư Phật Bồ-tát hạ Thiên-cung,

Thiên-Thai sơn La-Hán,

Lai thọ nhơn-gian cúng. (3 lần)

Nam-mô Hương-Vân-Cái Bồ-Tát. (3 lần)

Nam-mô Bát-Nhã HộiThượng Phật Bồ-Tát. (3 lần)


 

MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ÐA TÂM KINH



Quán-tự-tại Bồ-tát, hành thâm Bát-nhã Ba-la mật-đa thời, chiếu kiến ngũ-uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.

Xá-Lợi-Tử ! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị.

Xá-Lợi-Tử ! Thị chư Pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung, vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức, vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý-thức-giới, vô vô-minh diệc, vô vô-minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão-tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc.

Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề tát-đỏa y Bát-nhã-ba-la mật-đa cố, tâm vô quái-ngại; vô quái-ngại cố, vô hữu khủng-bố, viễn ly điên-đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn. Tam-thế chư Phật, y Bát-nhã-ba-la mật-đa cố, đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.



Cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thị đại-thần chú, thị đại minh chú, thị vô-thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú năng trừ nhứt thiết khổ, chơn thiệt bất hư.

Cố thuyết Bát-nhã-ba-la-mật-đa chú, tức thuyết chú viết:

 

Yết-đế yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la-tăng yết-đế, Bồ-đề tát bà ha. (3 lần)

 

Thiên thượng thiên hạ vô như Phật,

Thập-phương thế-giới diệc vô tỷ,

Thế-gian sở hữu ngã tận kiến

Nhứt thiết vô hữu như Phật giả.

Nam-mô Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật. (3 lần)

 

(Tiếp đọc bài Ðại cúng-dường)

 

Nam-mô thường trụ thập phương Phật.

Nam-mô thường trụ thập phương Pháp.

Nam-mô thường trụ thập phương Tăng.

Nam-mô Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật.

Nam-mô Cực-lạc thế-giới A-Di-Ðà Phật.

Nam-mô Ðương-lai hạ sanh Di-Lặc Tôn Phật.

Nam-mô Thập-phương tam-thế nhứt-thiết chư Phật.

Nam-mô Ðại-trí Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-tát.

Nam-mô Ðại-hạnh Phổ-Hiền Bồ-tát.

Nam-mô Ðại-bi Quán-Thế-Âm Bồ-tát.

Nam-mô Ðại-Thế-Chí Bồ-tát.

Nam-mô Ðịa-Tạng Vương Bồ-tát.

Nam-mô Hộ-pháp Chư-tôn Bồ-tát.

Nam-mô Già-Lam thánh chúng Bồ-tát.

Nam-mô Lịch-Ðại Tổ-sư Bồ-tát.

Nam-mô Ðạo-tràng Hội-thượng Phật, Bồ-tát.

 

Nẳn mồ tát phạt đác tha nga đa, phạ lồ chỉ đế, án tam bạc ra, tam bạc ra hồng. 

(Câu này đọc 3 lần)

 

Nẳn mồ tô rô bà da, đác tha nga đa da, đát điệt tha. Án tô rô, tô rô, bác ra tô rô, bác ra tô rô, ta bà ha. 

(đọc 3 lần)

 

Thử thực sắc hương vị,

Thượng cúng thập phương Phật,

Trung phụng chư Hiền Thánh,

Hạ cập lục đạo phẩm,

Ðẳng thí vô sai biệt,

Tùy nguyện giai bảo mãn.

Linh kim thí giả,

Ðắc vô-thượng Ba-la-mật.

Tam-đức lục-vị,

Cúng Phật cập Tăng,

Pháp-giới hữu-tình,

Phổ đồng cúng-dường.

 

Án nga nga nẳng tam bà, phạ phiệt nhựt ra hồng. (3 lần)


BÀI TÁN PHỔ CÚNG DƯỜNG

 

Ngã kim phụng hiến cam-lồ vị,

Lượng đẳng Tu-Di vô quá thượng,

Sắc hương mỹ-vị biến hư-không,

Duy nguyện từ bi ai nạp thọ.

Nam-mô Phổ-cúng-dường Bồ-tát.(3 lần)

 

Tứ sanh, cửu-hữu đồng đăng hoa tạng huyền môn,

Bát nạn, tam-đồ cộng nhập Tỳ-lô tánh hải.

Cúng Phật dĩ nhật

Ðương nguyện chúng-sanh

Sở tác giai biện

Cụ chư Phật Pháp.

 

PHỤC NGUYỆN

 

(Kỳ siêu nguyện theo kỳ siêu, thường thì nguyện theo thường, tùy trường-hợp)

 

TAM TỰ QUY Y :

 

Tự quy-y Phật, đương nguyện chúng-sanh, thể giải đại-đạo, phát vô-thượng tâm. (1 lạy)

Tự quy-y Pháp, đương nguyện chúng-sanh, thâm nhập kinh-tạng, trí huệ như hải. (1 lạy)

Tự quy-y Tăng, đương nguyện chúng-sanh, thống-lý đại-chúng, nhứt thiết vô ngại. (1 lạy)

  CHUNG 

 

PHẬT NÓI KINH VU LAN BỒN(1)

  

Đời Tây Tấn, ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ dịch

 

 

Tôi nghe như vầy:

 

Một lúc nọ, đức Phật ở trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc tại nước Xá Vệ. Ông Đại Mục Kiền Liên vừa mới chứng được sáu pháp thần thông(2) ông muốn cứu độ cha mẹ của ông để đền đáp công ơn bú mớm. Ông liền dùng đạo nhãn(3) xem khắp trong thế gian, thấy bà vong mẫu(4) của ông sanh vào trong loài ngạ quỷ(5) chẳng được uống ăn, thân thể ốm gầy da bọc lấy xương.

 

The Buddha Speaks the Ullambana Sutra

Thus I have heard, at one time, the Buddha dwelt at Shravasti in the Garden of the Benefactor of Orphans and the Solitary. Mahamaudgalyayana had just obtained the six penetrations and wished to cross over his father and mother to repay their kindness for raising him. Thus, using his Way Eye, he regarded the world and saw that his deceased mother had been born among the hungry ghosts. Having neither food nor drink, she was but skin and bones.

 

 PHẬT NÓI KINH VU LAN BỒN

 

TA TỪNG NGHE LỜI TẠC NHƯ VẦY :

 

Một thuở nọ Thế-tôn an-trụ

Xá-vệ thành Kỳ-thụ viên trung,

Mục-liên mới đặng lục-thông,

Muốn cho cha mẹ khỏi vòng trầm-luân.

 

Công dưỡng-dục thâm-ân dốc trả,

Nghĩa sanh thành đạo cả mong đền,

Làm con hiếu-hạnh vi tiên,

Bèn dùng ĐẠO-NHÃN dưới trên kiếm tầm.

 

Thấy vong-mẫu sanh làm ngạ-quỷ,

Không uống ăn tiều-tụy hình-hài.

 

 

Thấy thế, ông Mục Liên chẳng xiết xót thương, liền lấy bình bát đựng cơm đem dâng cho mẹ ông. Mẹ ông tiếp được bình bát cơm, bèn dùng tay trái che bát, tay mặt bốc cơm. Cơm của bà bốc chưa vào đến miệng đã hóa thành than lửa, bà ăn không đặng. Ông Mục Liên kêu to, buồn rầu khóc lóc, vội vã trở về bạch với đức Phật, thuật đủ những việc như thế.

 

Mahamaudgalyayana felt deep pity and sadness, filled a bowl with food, and went to provide for his mother. She got the bowl, screened it with her left hand, and with her right hand made a fist of food. But before it entered her mouth, it turned into burning coals which could not be eaten. Mahamaudgalyayana called out and wept sorrowfully, and hastened to return to the Buddha to set forth all of this.

 

 

Mục-liên thấy vậy bi-ai,

Biết mẹ đói khát ai-hoài tình thâm.

 

Lo phẩm-vật đem dâng từ-mẫu,

Ðặng đỡ lòng cực khổ bấy lâu.

Thấy cơm mẹ rất lo âu,

Tay tả che đậy, hữu hầu bốc ăn.

Lòng bỏn-xẻn tiền-căn chưa dứt,

Sợ chúng ma cướp dựt của bà.

Cơm đưa chưa tới miệng đà,

Hóa thành than lửa nuốt mà đặng đâu.

 

Thấy như vậy âu-sầu thê-thảm,

Mục-kiền-liên bi-cảm xót thương,

Mau mau về đến giảng-đường,

Bạch cùng sư-phụ tìm phương giải nàn.

 

 

Đức Phật dạy rằng:

 

Tội căn(6) của mẹ ông gây kết sâu nặng, chẳng phải thần lực của một mình ông mà có thể làm cứu được. Dầu rằng ông có lòng hiếu thuận, tiếng tăm vang động cả trời đất, mà những vị thiên thần, địa kỳ, tà ma, ngoại đạo, đạo sĩ và bốn vị Thiên vương thần(7) cũng không thể làm thế nào cứu được. Cần phải nhờ đến sức oai thần của chúng Tăng ở mười phương, mẹ ông mới có thể giải thoát. Nay Ta sẽ nói phương pháp cứu tế, làm cho tất cả kẻ bị hoạn nạn như thế, đều được thoát khỏi những sự buồn khổ.

 

The Buddha said, "Your mother's offenses are deep and firmly rooted. You alone do not have enough power. Although your filial sounds move heaven and earth, the heaven spirits, the earth spirits, twisted demons, and those outside the way, Brahmans, and the Four Heavenly King Gods are also without sufficient strength. The awesome spiritual power of the assembled Sangha of the ten directions is necessary for liberation to be attained. I shall now speak a Dharma of rescue which causes all those in difficulty to leave worry and suffering, and to eradicate obstacles from offenses.

 

 

Phật mới bảo rõ ràng căn-cội,

Rằng mẹ ông gốc tội rất sâu.

Dầu ông thần-lực nhiệm-mầu,

Một mình không thể ai cầu được đâu.

Lòng hiếu-thảo của ông dầu lớn,

Tiếng vang đồn thấu đến cửu-thiên

Cùng là các bực Thần-kỳ

Tà, ma, ngoại-đạo, bốn vì Thiên-vương

 

Cộng ba cõi sáu phương TỤ-TẬP,

Cũng không phương cứu-tế mẹ ngươi.

Muốn cho cứu đặng mạng người,

Phải nhờ thần-lực của mười phương Tăng.

 

Pháp cứu-tế ta toan giải nói

Cho mọi người thoát khỏi ách-nàn

 

 

Đức Phật bảo ông Mục Liên:

 

Ngày rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ của chúng Tăng ở mười phương(8), đến ngày ấy người làm con phải nên vì cha mẹ trong bảy đời đã qua(9) và cha mẹ trong đời hiện tại đang bị khổ trong vòng ách nạn, mà sắm những giường trải nệm chiếu, những bồn chậu đựng nước rửa, hương dầu, đèn nến, năm thứ trái, cơm canh trăm thứ những đồ ăn ngon lành nhứt trên đời, đựng vào trong bồn cúng dường cho hàng Đại đức Tăng ở mười phương(10).

 

"The Buddha told Maudgalyayana, "The fifteenth day of the seventh month is the Pravarana Day for the assembled Sangha of the ten directions. For the sake of fathers and mothers of seven generations past, as well as for fathers and mothers of the present who are in distress, you should prepare an offering of clean basins full of hundreds of flavors and the five fruits, and other offerings of incense, oil, lamps, candles, beds, and bedding, all the best of the world, to the greatly virtuous assembled Sangha of the ten directions.

 

Bèn kêu Mục-thị đến gần,

Truyền cho diệu-pháp ân-cần thiết thi

Rằm tháng bảy là ngày Tự-tứ

Mười phương Tăng đều dự lễ này

Phải toan sắm sửa chớ chầy

Thức ăn TRĂM VỊ trái cây NĂM MÀU

 

Lại phải sắm giường nằm nệm lót

Cùng thau, bồn, đèn đuốc, nhang, dầu,

Món ăn tinh-sạch báu mầu

Ðựng trong bình-bát vọng-cầu kính dâng

 

Chư Ðại-đức mười phương thọ-thực

Trong bảy đời sẽ đặng siêu thăng

Lại thêm cha mẹ hiện-tiền

Ðặng nhờ phước-lực tiêu-khiên ách-nàn.

 

Đang trong ngày đó, tất cả Thánh chúng: hoặc những người tu thiền nhập định ở trong núi, hoặc những vị chứng được bốn đạo quả(11), hoặc những người đi kinh hành dưới cội cây hoặc những bực Thanh văn và Duyên giác(12) đủ sáu pháp thần thông tự tại giáo hóa, hoặc là hàng Thập địa Bồ tát Đại nhơn(13) quyền hiện làm Tỳ kheo(14)… đồng hội về ở trong Đại chúng đều đồng nhứt tâm lãnh thọ bát cơm, đạo đức của hàng Thánh chúng hoàn toàn giới hạnh thanh tịnh đó rất là rộng lớn.

 

"On that day, all the holy assembly, whether in the mountains practicing dhyana samadhi, or obtaining the four fruits of the Way, or walking beneath trees, or using the independence of the six penetrations to teach and transform Sound Hearers and Those Enlightened to Conditions, or provisionally manifesting as Bhikshus when in fact they are Great Bodhisattvas on the Tenth Ground--all complete with pure precepts and ocean-like virtue of the holy Way--should gather in a great assembly and all of like mind receive the Pravarana food.

 

Vì ngày ấy Thánh-tăng đều đủ

Dầu ở đâu cũng T Ụ-HỘI về.

Như người Thiền-định sơn-khê

Tránh điều phiền-não chăm về thiền-na

Hoặc người đặng bốn tòa đạo quả

Công tu-hành nguyện thỏa vô-sanh

Hoặc người thọ hạ kinh-hành

Chẳng ham quyền-quý ẩn-danh lâm-tòng

 

Hoặc người đặng lục-thông tấn-phát

Và những hàng Duyên-giác, Thanh-văn

Hoặc chư Bồ-tát mười phương

Hiện hình làm sãi ở gần chúng-sanh

 

Ðều trì giới rất thanh, rất tịnh

Ðạo-đức dày, chánh-định chơn-tâm

Tất cả các bực Thánh, Phàm

Ðồng lòng thọ-lãnh bát cơm lục-hòa

 

Có người nào cúng dường cho hàng chúng Tăng Tự Tứ dường ấy, thì cha mẹ cùng lục thân(15) quyến thuộc trong đời hiện tại của người đó được ra khỏi chốn khổ tam đồ(16), liền giải thoát hưởng thọ những đồ mặc, món ăn tự nhiên. Như cha mẹ hiện đang còn sống, thời sống lâu trăm tuổi hưởng phước an vui. Còn cha mẹ trong bảy đời đã qua, đề được sanh lên cõi trời, hóa sanh tự tại vào trong cõi trời sáng đẹp.

 

"If one thus makes offerings to these Pravarana Sanghans, one's present father and mother, parents of seven generations past, as well as the six kinds of close relatives will escape from the three paths of suffering, and at that time attain release. Their clothing and food will spontaneously appear. If the parents are still alive, they will have wealth and blessings for a hundred years. Parents of seven generations past will be born in the heavens. Transformationally born, they will independently enter the celestial flower light, and experience limitless bliss."

 

Người nào có sắm ra vật-thực

Ðặng cúng-dường Tự-tứ Tăng thời

Hiện-tiền phụ-mẫu của người

Bà con quyến-thuộc thảy đều nhờ ơn

Tam-đồ khổ chắc rằng ra khỏi

Cảnh thanh-nhàn hưởng-thọ tự-nhiên.

Như còn cha mẹ hiện-tiền

Ðó nhờ cũng đặng bá niên thọ-trường

 

Như cha mẹ bảy đời quá-vãng

Sẽ hóa-sanh về cõi thiên-cung

Người thời tuấn-tú hình-dung

Hào-quang chiếu sáng khắp cùng châu-thân

 

Bấy giờ, đức Phật truyền chúng Tăng ở mười phương, trước phải vì người thí chủ mong chờ chú nguyện, cầu cho cha mẹ bảy đời, mà chuyên ý thiền định(17) rồi sau mới thọ thực.

 

Lúc ban đầu thọ thực, trước hết để món ăn nơi trước đức Phật, hay để trước tượng Phật trong chùa tháp, chúng Tăng đồng chú nguyện xong, rồi mới tự thọ thực.

 

 

At that time the Buddha commanded the assembled Sangha of the ten directions to recite mantras and vows for the sake of the donor's family, for parents of seven generations. After practicing dhyana concentration, the Sangha accepted the food. 

 

 

When they first received the basin, they placed it before the Buddha in the stupa. When the assembled Sangha had finished the mantras and vows they received the food.

 

 

Phật dạy bảo mười phương Tăng-chúng

Phải tuân theo thể-thức sau này:

Trước khi thọ thực đàn chay

Phải cầu chú-nguyện cho người tín-gia.

Cầu thất-thế mẹ cha thí-chủ

Ðịnh tâm-thần quán đủ đừng quên

Cho xong ý-định hành-thiền

Mới dùng phẩm-vật đàn-tiền hiến-dưng.

 

Khi thọ-dụng nên an vật-thực

Trước PHẬT-TIỀN hoặc tự THÁP TRUNG:

Chư Tăng chú nguyện viên dung

Sau rồi tự-tiện thọ dùng bữa trưa

 

Lúc đó, ông Mục Liên Tỳ kheo và hàng đại Bồ tát đều rất vui mừng, tiếng buồn rầu khóc lóc của ông Mục Liên liền nín lặng.

 

Chính trong ngày đó, bà mẹ của ông Mục Liên được thoát khỏi một kiếp chịu khổ trong loài ngạ quỷ. Ông Mục Liên lại bạch với đức Phật rằng:

 

Sanh mẫu(18) của đệ tử nay do nhờ sức công đức của Tam Bảo và sức oai thần của chúng Tăng mà được khỏi khổ. Còn về đời vị lai, tất cả đệ tử của Phật cũng phải phụng Bồn Vu Lan để cứu độ cha mẹ hiện tại nhẫn đến cha mẹ trong bảy đời đã qua, làm như thế được chăng?

 

At that time the Bhikshu Maudgalyayana and the assembly of Great Bodhisattvas were all extremely delighted and the sorrowful sound of Maudgalyayana's crying ceased. 

 

At that time Maudgalyayana's mother obtained liberation from one kalpa of suffering as a hungry ghost. Maudgalyayana addressed the Buddha and said, 

 

"This disciple's parents have received the power of the merit and virtue of the Triple Jewel, because of the awesome spiritual power of the assembled Sangha. If in the future the Buddha's disciples practice filiality by offerings up the Ullambana basins, will they be able to cross over their present fathers and mothers as well us those of seven generations past?"

 

Pháp cứu-tế Phật vừa nói dứt

Mục-liên cùng Bồ-tát chư Tăng

Ðồng nhau tỏ dạ vui mừng

Mục-liên cũng hết khóc thương rầu buồn

Mục-liên mẫu cũng trong ngày ấy

Kiếp khổ về ngạ-quỷ được tan

Mục-liên bạch với Phật rằng:

"Mẹ con nhờ sức Thánh-Tăng khỏi nàn

 

Lại cũng nhờ oai thần Tam-bảo

Bằng chẳng thì nạn khổ khó ra

Như sau đệ-tử xuất-gia

Vu-lan-bồn pháp dùng mà độ sanh

 

Ðộ cha mẹ còn đương tại thế

Hoặc bảy đời có thể đặng không ?"

 

Đức Phật nói:

 

Ông hỏi rất hay! Chính là Ta vừa muốn nói, mà ông nay hỏi liền.

 

Nầy thiện nam tử! Những người tu hạnh hiếu từ hoặc là Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, hoặc là quốc vương, thái tử, quan đại thần, tể tướng, tam công, trăm quan, muôn dân, kẻ thứ thấp hèn v.v… đến ngày rằm tháng Bảy, ngày đức Phật hoan hỷ, ngày chúng Tăng Tự tứ, đều nên trước vì cha mẹ hiện tại và cha mẹ trong bảy đời đã qua, mà sắm cơm và đồ ăn trăm vị thơm ngon để vào Bồn Vu Lan cúng dường cho chúng Tăng Tự tứ ở mười phương. Cầu nguyện cho cha mẹ được sống lâu trăm tuổi, không đau ốm, không tất cả hoạn nạn khổ não, nhẫn đến cầu nguyện cho cha mẹ trong bảy đời đã qua thoát khỏi chốn khổ ngạ quỷ, sanh vào trong loài người, hoặc cõi Trời hưởng phước vui vô cùng.

 

The Buddha replied "Good indeed! I am happy you asked that question. I just wanted to speak about that and now you have also asked about it. 

 

Good man, if Bhikshus, Bhikshunis, kings, crown princes, great ministers, great officials, cabinet members, the hundred ministers, and the tens of thousands of citizens wish to practice compassionate filial conduct, for the sake of the parents who bore them, as well as for the sake of fathers and mothers of seven lives past, on the fifteenth day of the seventh month, the day of the Buddha's Delight, the day of the Sangha's Pravarana, they all should place hundreds of flavors of foods in the Ullambana basins, and offer them to the Pravarana Sangha of the ten directions. They should vow to cause the length of their present fathers' and mothers' lives to reach a hundred years without illnesses, without sufferings, afflictions, or worries, and also vow to cause seven generations of fathers and mothers to leave the sufferings of the hungry ghosts, to be born among humans and gods, and to have blessings and bliss without limit."

 

Phật rằng: "Lời hỏi rất thông

Ta vừa muốn nói con dùng hỏi theo

 

Thiện-nam-tử, tỳ-kheo nam nữ

Cùng quốc-vương, thái-tử, đại-thần

Tam-công, tể-tướng, bá-quan

Cùng hàng lê-thứ vạn dân cõi trần

Như chí muốn đền ơn cha mẹ

Hiện-tại cùng thất-thế tình thâm

Ðến rằm tháng bảy mỗi năm

Sau khi kiết-hạ chư Tăng tựu về

 

Chính ngày ấy Phật-đà hoan-hỉ

Phải sắm sanh BÁ-VỊ cơm canh

Ðựng trong bình-bát tinh-anh

Chờ giờ Tự-tứ chúng Tăng cúng-dường

 

Ðặng cầu-nguyện song-đường trường-thọ

Chẳng ốm đau, cũng chẳng khổ chi

Cùng cầu thất-thế đồng thì

Lìa nơi ngạ-quỷ sanh về nhơn, thiên

 

Ðặng hưởng phước nhân duyên vui đẹp

Lại xa lìa nạn khổ cực thân

 

Là hàng đệ tử của Phật tu hạnh hiếu thuận, trong mỗi niệm phải thường nhớ tưởng cha mẹ hiện tại, nhẫn đến cha mẹ trong bảy đời. Mỗi năm đến ngày Rằm tháng Bảy, do lòng hiếu thuận(19) thường nhớ tưởng đến cha mẹ đã sanh mình, vì cha mẹ sắm Bồn Vu Lan cúng dường đức Phật và chúng Tăng, để đền đáp công ơn từ ái nuôi nấng của cha mẹ. 

 

Nếu làm đệ tử của đức Phật, tất cả phải nên phụng trì phương pháp báo hiếu nầy.

 

The Buddha told all the good men and good women, "Those disciples of the Buddha who cultivate filial conduct should in thought after thought, constantly recall their present fathers and mothers when making offerings, as well as the fathers and mothers of seven lives past, and for their sakes perform the offering of the Ullambana basin to the Buddha and the Sangha and thus repay the loving kindness of the parents who raised and nourished them."

 

Môn-sanh Phật-tử ân-cần

Hạnh tu hiếu-thuận phải cần phải chuyên

 

Thường cầu-nguyện thung-huyên an-hảo

Cùng bảy đời phụ-mẫu siêu-sanh

Ngày rằm tháng bảy mỗi năm

Vì lòng hiếu-thảo thâm-ân phải đền

Lễ cứu-tế chí-thành sắp đặt

Ngỏ cúng-dường chư Phật chư Tăng

Ấy là báo đáp thù ân

Sanh-thành dưỡng-dục song-thân buổi đầu

 

Ðệ-tử Phật lo âu gìn-giữ

Mới phải là Thích-tử Thiền-môn

Vừa nghe dứt pháp Lan-bồn

Môn-sanh tứ-chúng thảy đồng hỉ-hoan

 

Bấy giờ, ông Đại Mục Kiền Liên Tỳ kheo và bốn hàng đệ tử(20) đều vui mừng tuân theo thực hành.

 

KINH VU-LAN-BỒN- BÁO PHỤ MẪU ÂN CHÚ- HT. THÍCH-TRÍ-TỊNH DỊCH

 

 

At that time the Bhikshu Maudgalyayana and the four-fold assembly of disciples, hearing what the Buddha said, practiced it with delight.

End of the Buddha Speaks the Ullambana Sutra.

Celebration of Ullambana

Copyright © Buddhist Text Translation Society

 

Mục-liên với bốn ban Phật-tử

Nguyện một lòng tín-sự phụng-hành !

 

KINH NHẬT TỤNG

 

 

THÍCH NGHĨA 

 

     (1) Phật tức là đức Thích Ca Mâu Ni Phật trong kinh nầy. Đức Phật vì ông Đại Mục Kiền Liên và mọi người mà chỉ dạy phụng Bồn Vu Lan để cứu độ cha mẹ hiện tại, nhẫn đến cha mẹ trong bảy đời đã qua cùng cả lục thân quyến thuộc.

 

Bồn là bồn, thau, tượng, chậu, đồ bằng sành, bằng thiếc, hoặc bằng thau, đồng v.v… để đựng chứa đồ ăn.

 

Vu Lan là Phạm âm, Hán dịch là Giải đảo huyền, nghĩa đen: là tháo mở sự treo ngược. Sự treo ngược là ám chỉ cho tất cả sự thống khổ nặng nề. Đem bồn đựng đồ ăn cúng dường Phật và chúng Tăng, trong ngày rằm tháng bảy để cứu độ cha mẹ v.v… khỏi sự thống khổ nên gọi là Vu Lan Bồn.

 

     (2) Thiên nhãn thông: Thiên nhãn thấy xa đến cả thế giới, thấy rõ vật nhỏ như vi trùng v.v… thấy suốt thấu các chất ngại.

 

     Thiên nhĩ thông: Thiên nhĩ nghe được xa và nghe được tiếng rất nhỏ, cùng tiếng nói của tất cả loài.

 

     Túc mạng thông: Biết rõ những đời trước của mình và của người khác.

 

     Tha tâm thông: Hiểu biết tâm niệm, tư tưởng của người

khác.

 

     Thần túc thông: Bay đi mau lẹ tự tại, ý muốn đến đó thời thân liền đến đó.

 

     Lậu tận thông: Những phiền não loạn tưởng đã dứt sạch, thấy suốt đời vị lai.

 

     (3) Đạo nhãn: chính là thiên nhãn thông. Do tu hành đạo hạnh thành tựu đạo quả mà có nên gọi là đạo nhãn.

 

     (4) Vong mẫu là người mẹ đã qua đời.

 

     (5) Ngạ quỷ (quỷ đói). Loài nầy cả đời chịu khổ về đói khát. Không hề được uống, vì thấy nước thành máu mủ hay lửa hừng, nước dính vào miệng nó làm phỏng cả miệng lưỡi, mà cũng không hề được ăn, vì cuống họng nhỏ bằng cây kim, bụng lớn như trống, mà đồ ăn đến miệng lại biến thành than lửa, nên dầu có cũng không ăn được. Trên đây là nói về hạng vô tài ngạ quỷ, mẹ ông Mục Liên bị đọa sinh vào loài nầy. Ngoài ra còn hạng hữu tài ngạ quỷ, loài sau nầy có phần ít đói khát hơn.

 

Trong kinh nói: Những người bị đọa vào ngạ quỷ vì gây nhiều tội ác mà tánh ích kỷ, bỏn sẻn, tham lam là phần chính.

 

     (6) Tội căn: Cội gốc tội lỗi, đã kết thành quả báo xấu khó lay chuyển như cây có gốc rễ.

 

     (7) Các vị thần trên cõi trời gọi là thiên thần, những vị thần ở mặt đất gọi là địa kỳ. Giữa chừng núi Tu Di bốn mặt có bốn cõi trời, mỗi cõi có một vị thiên vương cai quản gọi đó là Tứ Thiên Vương.

 

     (8) Chúng tăng là đoàn thể Tăng già từ bốn vị xuất gia trở lên y theo sáu pháp hòa hiệp mà trụ.

 

Tự tứ là tha hồ, mặc tình, hứa cho không ngăn cấm.

 

Sau ba tháng an cư (bắt đầu từ ngày 16 tháng tư đến ngày rằm tháng bảy), thời tất cả chúng Tăng trong một đại giới đều câu hội lại rồi y theo luật pháp mà chỉ chỗ lỗi lầm lẫn nhau, để cùng nhau sám hối, cốt ý để chứng tỏ sự thanh tịnh (nếu người không phạm lỗi) hay làm cho thanh tịnh (nếu người có phạm lỗi) trong toàn thể đại chúng và khỏi những điều nghi ngờ, trong khi đó ai ai cũng sẵn sàng bằng lòng cho người khác chỉ trích lỗi của mình đã phạm trong ba tháng hạ mà mình không tự biết (vì nếu tự biết thời đã làm phép sám hối rồi) và sẵn sàng vui lòng nhận lấy lỗi của mình, trực nhớ lại, hoặc lời chỉ trích hữu lý cùng có bằng cớ. Vì thế nên ngày rằm tháng bảy gọi là ngày Tăng tự tứ.

 

(9) Phật dạy mọi người chẳng phải chỉ có một đời hiện tại mà về quá khứ, đã thọ nhiều thân, trải qua nhiều đời sống, một lần sinh, một lần chết gọi là một đời, một đời sống thời có một đời cha mẹ, đã trải qua nhiều đời sống là đã có nhiều cha mẹ chớ chẳng phải nội bảy đời thôi, song trong kinh đây nói cha mẹ trong bảy đời đã qua, đó là vì ba lẽ:

 

     Số bảy là con số của đức Phật thường dùng, vì nó có quan trọng đối với sự biểu pháp.

 

     Ước lược mà nói.

 

     Còn gần với hiện tại, dễ hiểu biết và có phần thân thiết

 

hơn.

 

 

(10) Cơm trăm vị là cơm rất thơm ngon đủ các mùi vị.

 

Câu: Đem đủ cả những đồ ăn ngon lành có trên đời (tận thế cam mỹ) là ý nói hết sức lo sắm sửa, người giàu thời tột sức của phận giàu, người nghèo thời tận lực của phận nghèo.

 

Năm thứ trái:

 

     Loại trái có hột lớn, như: táo, xoài v.v…

 

     Loại trái dầy cơm, như: dưa, hồng v.v…

 

     Loại trái có vỏ cứng, như: lựu, măng v.v…

 

     Loại trái mềm mại, như: nho v.v…

 

     Loại trái có sừng khía, như: ấu v.v…

 

 

(11) Bốn đạo quả :

 

Trong Thanh văn thừa có 4 quả vị; trong 4 quả vị nầy do sự tu hành dứt kiến hoặc và tư hoặc trong tam giới mà chứng đặng. Kiến hoặc trong tam giới có 88 món, dứt sạch 88 món kiến hoặc thời thoát khỏi phàm phu dự vào hàng thánh (Nhập lưu cũng gọi là Dự lưu, tiếng Phạm là Tu đà hoàn), đây là quả vị thứ nhứt.

 

Về tư hoặc, ở cõi dục có 9 phẩm, cõi sắc và vô sắc chung có 72 phẩm. Sau khi chứng bậc Tu đà hoàn (đã dứt 88 món kiến hoặc) thời phải tu hành dứt tư hoặc. 9 phẩm tư hoặc cõi Dục nó làm cho vị Tu đà hoàn phải bị 7 đời sanh tử ở cõi dục. Dứt được 6 phẩm trước thời chỉ còn 1 lần sanh tử ở cõi dục nên gọi là Nhứt lai (Tư đà hàm, Phạm âm) đây là quả vị thứ hai.

Dứt luôn ba phẩm sau thời không còn bị sanh vào cõi dục nữa nên gọi là Bất lai (A na hàm, Phạm âm) đây là quả vị thứ ba.

Dứt sạch luôn cả 72 phẩm tư hoặc cõi sắc và vô sắc thời thoát hẳn vòng sanh tử luân hồi nên gọi Vô sanh (A la hán, Phạm âm) đây là quả vị thứ tư.

 

 

     (12) Bích chi Phật là Phạm âm, quả vị đồng với bậc A la hán (quả thứ tư trong hàng Thanh văn hoặc tiểu thừa) nhưng về công hạnh tu hành thời khác, có hai hạng:

 

     Ra đời không gặp đức Phật mà cũng không gặp được Phật pháp, do căn lành đã vun trồng từ nhiều đời trước, xuất gia thấy cảnh sống chết của người vật, thấy cảnh tươi héo của cỏ hoa v.v… mà tự ngộ lý vô thường, vô ngã, chứng sanh không quả gọi là vị Độc giác.

 

     Ra đời gặp Phật hay giáo pháp của đức Phật, y theo phép quán mười hai nhân duyên mà tu tập, đoạn hoặc chứng chân thành quả vô sanh gọi là vị Duyên giác.

 

     (13) Bồ tát là người phát đại tâm, tu hành đại thừa, chứng thành đại quả nên gọi là đại nhơn.

 

Đức Phật là đấng đã chứng pháp tánh thân hoàn toàn; còn những bậc cũng chứng pháp tánh thân mà chưa được hoàn toàn thời có hàng Thập địa Bồ tát:

 

     Hoan Hỷ địa

 

     Ly Cấu địa

 

     Phát Quang địa

 

     Diệm Huệ địa

 

     Nan Thắng địa

 

     Hiện Tiền địa

 

     Viễn Hành địa

 

     Bất Động địa

 

     Thiện Huệ địa

 

     Pháp Vân địa

 

     (14) Người xuất gia thọ 250 điều giới pháp Tỳ kheo thời gọi là thầy Tỳ kheo.

 

     (15) Cha, mẹ, anh, em, chồng, vợ gọi là lục thân.

 

     (16) Tam đồ:

 

     Hỏa đồ, tức địa ngục, chốn lửa đốt cháy ngày đêm.

 

     Đao đồ, tức là ngạ quỷ, thường dùng dao gậy chém đập

 

nhau.

 

     Huyết đồ, tức là súc sinh, thường bị cắt cổ mổ bụng máu chảy lai láng.

 

     (17) Chuyên ý thiền định là chú ý lặng lòng để tưởng niệm, khiến cho sự cầu nguyện được mau thành tựu.

 

     (18) Sanh mẫu là mẹ đẻ, mẹ ruột.

 

     (19) Câu: Do lòng hiếu từ là ý chỉ rõ rằng do lòng hiếu từ thiết tha nhớ tưởng đến cha mẹ mà làm lễ Vu Lan để cầu phước cho cha mẹ, chớ chẳng phải làm theo lệ lấy có, hay cầu tiếng khen v.v…

 

     (20) Bốn hàng đệ tử:

 

     Tỳ kheo: Xuất gia thọ 250 điều giới pháp.

 

     Tỳ kheo ni: Xuất gia thọ 348 điều giới pháp.

 

     Ưu bà tắc: Người nam tu tại gia quy y thọ năm điều giới pháp.

 

     Ưu bà di: Người nữ tu tại gia quy y thọ năm điều giới

 

pháp.

 

 

PHẬT THUYẾT

 

VU LAN BỒN KINH

  

( PHẬT tức là đức THÍCH CA MÂU NI PHẬT, trong KINH nầy, đức PHẬT vì ông ĐẠI MỤC KIỀN LIÊN và mọi người mà THUYẾT KINH VU LAN BỒN để cứu độ “CHA MẸ” hiện-tại cho đến cha mẹ trong “7 ĐỜI” đã qua cùng cả “LỤC THÂN QUYẾN THUỘC”.)

 

THÍCH NGHĨA

 

1.       VU LAN là  Phạm-âm, dịch là GIẢI ĐẢO HUYỀN, nghĩa là “THÁO MỞ SỰ TREO NGƯỢC”, không “ĂN UỐNG” gì được, ám chỉ cho sự THỐNG KHỔ NẶNG NỀ.

 

2.      BỒN là THAU, TƯỢNG, CHẬU, đồ bằng SÀNH, bằng THIẾT, hoặc bằng THAU, ĐỒNG...”RẤT LỚN” để chứa đựng đồ ăn cho “PHẬT” và “10 PHƯƠNG TĂNG”.

 

Đem BỒN đựng đồ ăn cúng-dường “PHẬT” và “10 PHƯƠNG TĂNG”, trong ngày RẰM THÁNG BẢY để cứu độ CHA MẸ...khỏi sự thống khổ nên gọi là VU LAN BỒN.

 

LỤC-THÂN

1.    CHA

2.    MẸ

3.    ANH (CHỊ)

4.    EM

5.    CHỒNG

6.    VỢ

 

TAM ĐỒ: HỎA ĐỒ, ĐAO ĐỒ và HUYẾT ĐỒ

 

1)   HỎA ĐỒ tức là “ĐỊA NGỤC”, chốn lửa đốt cháy ngày đêm.

2)   ĐAO ĐỒ tức là “NGẠ QUỶ”, thường dùng dao gậy chém đập nhau.

3)   HUYẾT ĐỒ tức là “SÚC SANH”, thường bị cắt cổ mổ bụng máu chảy lai láng.

 

Tại sao “CÚNG DƯỜNG” vào NGÀY RẰM THÁNG 7  thì “CHA MẸ”... được độ thoát khỏi loài QUỶ ĐÓI ?

 

KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI

VI. GIỚI RAO LỖI CỦA TỨ CHÚNG

 

Nếu Phật-Tử, tự miệng rao nói tội lỗi của Bồ-Tát xuất-gia, Bồ-Tát tại-gia, Tỳ-Kheo, Tỳ-Kheo-Ni, hoặc bảo người rao nói những tội lỗi ấy: Nhân rao nói tội lỗi, duyên rao nói tội lỗi, cách-thức rao nói tội-lỗi, nghiệp rao nói tội-lỗi. Là Phật-Tử, khi nghe những kẻ ác, ngoại-đạo cùng người nhị-thừa nói những điều phi-pháp, trái Luật trong Phật-Pháp, thời phải luôn luôn có lòng từ-bi giáo-hóa những kẻ ác ấy cho họ sanh tín-tâm lành đối với đại-thừa, mà trái lại Phật-Tử lại tự mình rao nói những tội lỗi trong Phật-Pháp, Phật-Tử này phạm Bồ-Tát Ba-La-Di tội.

 

TỪ “SÁNG NGÀY 16 THÁNG 4” ÂM LỊCH khởi đầu “MÙA HẠ” -cũng là ngày nhập HẠ, tiền “AN CƯ” CHO ĐẾN “RẰM THÁNG 7” ÂM LỊCH.

 

(LỄ VU LAN TỰ TỨ)

 

Vì ngày nầy là NGÀY TỰ TỨ của 10 PHƯƠNG TĂNG ,  tức là tha-hồ, mặc tình, hứa cho nói lỗi lầm lẫn nhau, để cùng nhau SÁM HỐI.

 

“TỘI CĂN” LÀ CỘI GỐC TỘI LỖI, ĐÃ KẾT THÀNH QUẢ BÁO XẤU ÁC KHÓ LAY CHUYỂN, NHƯ CÂY CÓ GỐC RỄ.

 

Theo kinh “NHÂN QỦA BA ĐỜI” thì nghiệp chướng chồng chất lên nhau thay đổi theo từng sát na sinh diệt, theo tâm niệm và hành vi  “TRONG NHIỀU  KIẾP TRƯỚC”   “HIỆN TẠI” của mỗi người. 

 

Nhân nào mạnh hơn hết thì qủa đến trước, cứ thế mà nhân-qủa từng tự nói tiếp nhau liên tục không dừng.


Nếu nghiệp chướng là  “NHÂN QỦA” cố định, thì  tại sao Vua Ca-Lợi cắt đứt tay chân của Đức Phật, mà được đức Phật độ cho giải thoát trước tiên? Vậy có phải là do "NGUYỆN LỰC" của đức phật, đã làm tiêu nghiệp chướng cho Vua Ca-Lợi rồi sao?

 Vua Ca-Lợi trong kiếp trước, kiếp này là KIỀU TRẦN NHƯ

Đức Phật trong kiếp này, kiếp trước là một vị tiên tu hạnh nhẫn nhục bị  Vua Ca-Lợi cắt đứt tay chân .

( KINH KIM CANG)

 

 

ĐỊNH BÁO

 

Là quả báo nhất định phải chịu, không thể chuyển biến được, bởi sức nghiệp đã quá thuần thục, trong mười phần thành tựu cả mười )

Thuở xưa vua Lưu-Ly cử binh đến đánh dòng họ Thích, Ðức Thế-Tôn can ngăn ba lần mà không được. Tôn-giả Mục-Kiền-Liên bạch hỏi sao Phật không cứu độ hàng tộc thuộc, thì ngài bảo đó là định nghiệp.

Tôn-giả không tin, dùng thần thông đem giấu năm trăm người họ Thích trên cung trời. Nhưng khi Lưu-Ly-Vương dẹp xong hàng Thích-Chủng, thì năm trăm người ấy cũng đều thành huyết mà chết. Ðây là một sự kiện chứng minh sức định nghiệp có công năng tuyệt đối mạnh mẽ.

Cho nên, chư Phật có  “Tam năng” (ba việc làm được) và “tam bất năng” (ba việc không làm được).

Có ba việc làm được là :

1)       Chư Phật có thể “KHÔNG” tất cả tướng, thông suốt tất cả pháp.

2)      Chư Phật có thể biết cùng tận nghiệp tánh của chúng-sanh, rõ thấu tất cả việc trong vô biên kiếp quá khứ và vị lai.

3)      Chư Phật có thể độ vô-lượng chúng-sanh.


Ba việc làm không được là :

1.        Chư Phật không thể diệt được định nghiệp của chúng-sanh.

2.       Chư Phật không thể độ những chúng-sanh vô duyên.

3.       Chư Phật không thể độ hết chúng-sanh giới.


Bởi thế, "SỨC NGƯỜI" cố nhiên là hữu hạn, nhưng "SỨC PHẬT" cũng không phải là TOÀN NĂNG.

Nếu chúng-sanh không tín hướng Ðức Như-Lai, không thực hành đúng theo lời Ngài dạy, thì chư Phật, Bồ-Tát cũng không thể hóa độ được.

Nếu chúng-sanh tín hướng Ðức Như-Lai, thực hành đúng theo lời Ngài dạy, thì chư Phật, Bồ-Tát cũng có thể hóa độ được.




NHƯ VUA LƯU LY, NẾU NGHE THEO LỜI CAN NGĂN CỦA ĐỨC PHẬT, THÌ ĐƯƠNG SỐNG KHÔNG BỊ ĐỌA VÀO ĐỊA NGỤC A TỲ (  LÀ SỰ ĐAU KHỔ KHÔNG HỀ ĐƯỢC GIÁN ĐOẠN). 

 

Cho nên, “NGHIỆP LỰC THÙ HẬN” của vua lưu-ly cũng thật sự  “BẤT KHẢ TƯ NGHÌ”, cho dù “ĐỨC PHẬT” cũng không thể ngăn cản được.


Tóm lại, nếu qúi vị “THỰC HÀNH ĐÚNG THEO LỜI ĐỨC PHẬT DẠY” thì chuyển “ĐỊNH NGHIỆP” thành “BẤT ĐỊNH NGHIỆP”; chuyển “VÔ DUYÊN” thành “HỮU DUYÊN” ; chuyển “CHÚNG SANH KHÔNG ĐỘ ĐƯỢC”  thành “CHÚNG  SANH ĐỘ ĐƯỢC” phải không ? 


“Quét sạch tất cả nghiệp chướng khó trừ trong vô số kiếp trước 
của qúi vị đã tạo.”

 

 

Kệ tụng:

 

 

Thủ nhãn thông thiên đại tổng trì
Chấn động tam thiên thế giới thì
Hữu duyên vô duyên hàm nhiếp hóa
Từ bi phổ độ Diêm-phù-đề

 

Cho nên, nếu ai sẵn-sàng VUI LÒNG NHẬN LẤY LỖI LẦM của mình, “THÀNH TÂM SÁM HỐI” thì vào được “BỔN NGUYỆN LỰC” của 10 PHƯƠNG TĂNG nên được GIẢI THOÁT.

 

Tội từ tâm khởi đem tâm sám

Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu

Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không

Thế mới thật là chân sám hối.

 

Lời bàn:

 

Nếu không CÚNG-DƯỜNG vào ngày “RẰM THÁNG 7” được, thì nên chọn 1 ngày trong tháng 7. Một năm chỉ có 1 ngày VU LAN BỒN mà thôi, thì mới khế hợp với PHẬT dạy trong KINH VĂN.

Lại nữa, “Trong tâm chúng ta có cái gì thì bên ngoài có cái đó”. Nếu ta TỤNG KINH, TRÌ CHÚ, NIỆM PHẬT, LÀM THIỆN CĂN CÔNG ĐỨC…như “CÚNG-DƯỜNG” vào NGÀY RẰM THÁNG 7, rồi  hồi hướng cho“CHA MẸ”...đã mất thì họ hưởng được qủa lành an vui giải thoát. 

 

Nếu ta làm những VIỆC KHÁC VỚI THIỆN CĂN CÔNG ĐỨC hồi hướng cho “CHA MẸ”... đã mất thì họ cũng hưởng được NHỮNG GÌ KHÔNG PHẢI LÀ THIỆN CĂN CÔNG ĐỨC, nên không biết khi nào họ mới được an vui giải thoát đây? 

 

Cho nên nói “Tất cả do tâm tạo” là vậy!

 

KINH-VĂN:

 

Vì ngày ấy Thánh-tăng đều đủ

Dầu ở đâu cũng tụ-hội về

Như người Thiền-định Sơn-khê

Tránh điều phiền-não chăm về thiền-na

Hoặc người đặng bốn tòa đạo quả

Công tu-hành nguyện thỏa vô-sanh

Hoặc người thọ hạ kinh-hành

Chẳng ham quyền-quý ẩn-danh lâm-tòng

Hoặc người đặng lục-thông tấn-phát

Và những hàng Duyên-giác, Thanh-văn

Hoặc chư Bồ-tát mười phương

Hiện hình làm sãi ở gần chúng-sanh

Đều trì giới rất thanh, rất tịnh

Đạo-đức dày, chánh-định chơn-tâm

 

Tất cả các bực Thánh, Phàm

Đồng lòng thọ-lãnh bát cơm lục-hòa

 

KINH VĂN:

 

THỜI, PHẬT SẮC THẬP PHƯƠNG CHÚNG TĂNG GIAI TIÊN VỊ THÍ CHỦ MÔNG CHÚ NGUYỆN, NGUYỆN THẤT THẾ PHỤ MẪU, HÀNH THIỀN ĐỊNH Ý NHIÊN-HẬU THỌ THỰC.

 

SỞ THỌ THỰC THỜI, TIÊN AN TẠI PHẬT TIỀN, THÁP TỰ TRUNG PHẬT TIỀN, CHÚNG TĂNG CHÚ NGUYỆN CÁNH, TIỆN TỰ THỌ THỰC.

 

 

( BẤY GIỜ, ĐỨC PHẬT TRUYỀN CHÚNG TĂNG Ở 10 PHƯƠNG, TRƯỚC PHẢI VÌ NGƯỜI THÍ CHỦ MONG NHỜ CHÚ NGUYỆN, CẦU CHO CHA MẸ 7 ĐỜI, MÀ “CHUYÊN Ý THIỀN ĐỊNH” RỒI SAU MỚI THỌ THỰC.

 

“CHUYÊN Ý THIỀN ĐỊNH” là chú ý lặng lòng để tưởng-niện, khiến cho sự cầu nguyện được mau thành tựu.

 

LÚC BAN ĐẦU THỌ THỰC, TRƯỚC HẾT ĐỂ MÓN ĂN NƠI “TRƯỚC ĐỨC PHẬT”, HAY ĐỂ “TRƯỚC TƯỢNG PHẬT TRONG CHÙA THÁP”, CHÚNG TĂNG ĐỒNG CHÚ NGUYỆN XONG, RỒI TỰ THỌ THỰC.)

 

“TRƯỚC ĐỨC PHẬT” khi PHẬT còn “TẠI THẾ".

“TRƯỚC TƯỢNG PHẬT TRONG CHÙA THÁP” khi PHẬT nhập “NIẾT BÀN”.

 

 “MÓN ĂN TRĂM VỊ” là dùng 5 mùi vị căn bản “NGỌT, MẶN, CHUA, CAY, ĐẮNG” pha chế làm thành “THỨC ĂN” TRĂN VỊ, NGÀN VỊ TÙY Ý...

 

NGŨ NHÃN

 

1)   NHỤC NHÃN

2)   THIÊN NHÃN

3)   HUỆ NHÃN

4)   PHÁP NHÃN

5)   PHẬT NHÃN

 

KIM CANG 

BÁT NHÃ BA LA MẬT KINH

 

Diêu-Tần, Tam-Tạng Pháp-Sư Cưu-Ma-La-Thập Hán dịch.

HT. THÍCH TRÍ TỊNH Việt Dịch

 

18.-XEM ĐỒNG MỘT THỂ

 

Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức-Như-Lai có “NHỤC NHÃN” chăng?"

"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Đức Như-Lai có NHỤC NHÃN."

 

Tại sao có tên là NHỤC NHÃN ?

 

Bởi vì nó vừa nhìn được các vật thể có hình sắc, vừa có thể thấy được các thứ không có hình sắc. Mắt thường của chúng ta không thấy những vật đằng xa, còn nhục nhãn thì mọi vật từ mười lăm dặm trở lại đều trông thấy hết, cho dầu có bị ngăn cách bởi nhà cửa, cũng thấy được, không trở ngại chi.

 

"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có “THIÊN NHÃN” chăng?"

"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Đức Như-Lai có THIÊN NHÃN."

 

THIÊN NHÃN là thấy xa đến các THẾ GIỚI, thấy rõ vật nhỏ như VI-TRẦN...thấy thông suốt không bị CHƯỚNG NGẠI.

 

"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có “HUỆ-NHÃN” chăng?"

"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Đức Như-Lai có HUỆ NHÃN."

 

HUỆ NHÃN là con mắt trí huệ. Huệ nhãn có thể PHÂN BIỆT LẼ PHẢI TRÁI, nhìn vào sự việc gì có thể biết ngay chân giả. Người không có trí huệ lấy phải làm trái, lấy trái cho là phải.

 

"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có “PHÁP-NHÃN” chăng?"

"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Đức Như-Lai có PHÁP NHÃN."

 

PHÁP NHÃN là thấy được THẬT TƯỚNG CỦA VẠN PHÁP. Từ bậc ĐẠI Bồ-tát cho đến PHẬT mới có PHÁP NHÃN, A LA HÁN trở xuống đều không có.

 

"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có “PHẬT NHÃN” chăng?"

"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Đức Như-Lai có PHẬT NHÃN."

 

PHẬT NHÃN là TRÍ HUỆ VIÊN-MÃN CỨU CÁNH CỦA PHẬT.

 

"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Như bao nhiêu cát trong sông Hằng, đức Phật có nói là “CÁT” chăng?"

 

"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế, đức Như-Lai nói là CÁT."

 

"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Ví như có bao nhiêu cát trong một sông Hằng, thì cũng có số những sông Hằng, bằng số cát như thế, cõi Phật như bao nhiêu số cát trong những-sông-Hằng đó, như thế, cõi Phật có “NHIỀU” chăng?"

 

"Bạch đức Thế-Tôn! Rất NHIỀU!"

 

Đức Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề: "Bao nhiêu thứ TÂM-NIỆM CỦA TẤT CẢ CHÚNG SANH trong ngần ấy cõi nước, đức Như-Lai đều biết rõ. Bởi vì sao? Vì đức Như-Lai nói các thứ tâm đều là CHẲNG PHẢI TÂM, đó gọi là tâm.

 

Vì cớ sao thế? Nầy Tu-Bồ-Đề! TÂM QUÁ KHỨ không có chi mà đặng, TÂM HIỆN TẠI không có chi mà đặng, TÂM VỊ LAI không có chi mà đặng.

 

 

 “ĐẠO NHÃN” tức là “THIÊN NHÃN THÔNG”. Nghĩa là do tu hành ĐẠO HẠNH thành tựu ĐẠO QUẢ mà có nên gọi là “ĐẠO NHÃN”.

 

LỤC THÔNG

 

1.       THIÊN NHÃN THÔNG là thấy xa đến các THẾ-GIỚI, thấy rõ vật nhỏ như VI-TRẦN...thấy thông suốt không bị CHƯỚNG NGẠI.

 

2.       THIÊN NHĨ THÔNG là nghe được TIẾNG RẤT XA và RẤT NHỎ của 12 CHỦNG LOẠI CHÚNG SANH.

 

3.      TÚC MẠNG THÔNG là biết rõ những việc ĐỜI TRƯỚC của mình và KẺ khác.

 

4.      THA TÂM THÔNG là hiểu biết TÂM NIỆM,TƯ TƯỞNG của người khác.

 

5.      THẦN TÚC THÔNG là BAY ĐI MAU LẸ TỰ TẠI, ý muốn đến đó thì THÂN LIỀN ĐẾN ĐÓ.

 

6.      LẬU TẬN THÔNG là những PHIỀN NÃO LOẠN TƯỞNG đã dứt sạch, nên thấy suốt đời VỊ LAI.

 

KINH-VĂN:

 

ĐẠI MỤC KIỀN LIÊN, THỈ ĐẮC LỤC THÔNG, DỤC ĐỘ PHỤ MẪU, BÁO NHỦ BỘ CHI ÂN.

TỨC DĨ “ĐẠO NHÃN” QUÁN THỊ THẾ GIAN, KIẾN KỲ VONG-MẪU SANH NGẠ QUỈ TRUNG, BẤT KIẾN ẨM THỰC, BÌ CỐT LIÊN LẬP.

 

KINH NHẬT TỤNG

KINH VU LAN BỒN- BÁO PHỤ MẪU ÂN CHÚ  HT. THÍCH TRÍ TỊNH DỊCH


Comments

Popular posts from this blog